Trong văn bản quy phạm pháp luật, ở phần cuối của văn bản thường có quy định về Điều khoản thi hành. Điều khoản thi hành thường có Điều khoản chuyển tiếp và Điều khoản về hiệu lực thi hành. Điều khoản chuyển tiếp là quy định về trường hợp phải áp dụng pháp luật cũ hay những quan hệ pháp luật được xác lập trước thời điểm pháp luật mới có hiệu lực thì khi nào áp dụng pháp luật cũ, khi nào áp dụng pháp luật mới hay còn gọi là quy định hồi tố. Việc áp dụng pháp luật chuyển tiếp phải được quy định và thực hiện thống nhất vì áp dụng pháp luật khác nhau sẽ dẫn đến những quyết định rất khác nhau. Tình trạng vướng mắc này đang xảy ra khá nhiều trong hoàn cảnh Bộ luật Dân sự năm 2015.
(1) Quan hệ giữa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các pháp luật khác về quy định chuyển tiếp:
Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật là: “1.Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó”.
Như vậy, nguyên tắc chung nhất là hành vi xảy ra ở thời điểm nào thì áp dụng pháp luật ở thời điểm đó. Khi văn bản quy phạm pháp luật cụ thể có quy định khác, như quy định hồi tố (có hiệu lực trở về trước) thì mới được áp dụng khác với nguyên tắc chung nhất nêu trên. Khi văn bản quy phạm pháp luật cụ thể không có quy định chuyển tiếp thì phải hiểu là đương nhiên thực hiện theo nguyên tắc chung nêu trên; chỉ quy định chuyển tiếp đối với một số giao dịch thì phải hiểu các giao dịch khác không được quy định sẽ phải được áp dụng nguyên tắc chung nêu trên.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là luật chung cho toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, khi luật chuyên ngành không quy định thì phải áp dụng luật chung. Phải trên cơ sở nguyên tắc đó để hiểu quy định của luật chuyên ngành và có đề xuất hướng dẫn hay giải thích cần thiết.
(2) Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Điều khoản chuyển tiếp:
Khoản 1 Điều 688 quy định về việc áp dụng pháp luật cho các “giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực”, tức là trước 01/01/2017.
Điểm a của khoản 1 Điều 688 quy định: “Giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự 33/2005/QHH11, trừ trường hợp các bên của giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch để phù hợp với Bộ luật này và để áp dụng quy định của Bộ luật này.
Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy dịnh của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11”.
Điểm a nêu trên quy định cho trường hợp giao dịch có “nội dung, hình thức khác” với quy định của bộ luật mới. Tuy nhiên, cần lưu ý là đây là quy định cho các ‘chủ thể giao dịch” tức là những người tham gia vào giao dịch, chứ không phải quy định áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp.
Điểm b của khoản 1 Điều 688 quy định: “Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này”.
Điểm b này không nêu rõ quy định giành cho các chủ thể của giao dịch như điểm a nhưng việc có vị trí tiếp theo điểm a, quy định cùng về vấn đề giao dịch xác lập trước khi bộ luật mới có hiệu lực, “chưa thực hiện” hoặc “đang thực hiện”, chỉ khác là trường hợp có nội dung, hình thức giao dịch phù hợp với bộ luật mới thì cần được hiểu đây cũng là quy định cho chủ thể của giao dịch; không phải quy định áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp.
Điểm c khoản 1 Điều 688 quy định: “Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 để giải quyết”.
Quy định của điểm c là áp dụng pháp luật “để giải quyết” tranh chấp. Đây là khác biệt cơ bản so với quy định của điểm a và điểm b. Nhưng quy định “để giải quyết” này mới chỉ cho trường hợp giao dịch dân sự “được thực hiện xong” trước ngày bộ luật mới có hiệu lực. Như vậy, trường hợp giao dich dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện thì Điều 688 không có quy định áp dụng pháp luật nào để giải quyết tranh chấp. Do Điều 688 không có quy định, vấn đề này sẽ phải trở lại áp dụng luật chung là Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Như vậy, trường hợp giao dịch dân sự xác lập trước khi bộ luật mới có hiệu lực mà chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện thì phải áp dụng pháp luật ở thời điểm xác lập để giải quyết tranh chấp.
Điều 688. Điều khoản chuyển tiếp
1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:
a) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11, trừ trường hợp các bên của giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch để phù hợp với Bộ luật này và để áp dụng quy định của Bộ luật này.
Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11;
b) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này;
c) Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 để giải quyết;
d) Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này.
2. Không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338