Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật Dân sự để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Tại Điều 49 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định điều kiện của cá nhân làm người giám hộ. Theo đó, cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ; Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác; Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Từ quy định trên có thể thấy cá nhân là người giám hộ phải đáp ứng bốn nhóm điều kiện về mức độ năng lực hành vi dân sự, về tư cách đạo đức, về lý lịch tư pháp liên quan đến trách nhiệm hình sự và về lý lịch tư pháp của cá nhân. Các điều kiện này được quy định để đảm bảo việc giám hộ được thực hiện đúng mục đích cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Cụ thể cá nhân làm người giám hộ phải có các điều kiện như:
- Năng lực hành vi dân sự của cá nhân phải ở mức độ đầy đủ mới đáp ứng điều kiện đầu tiên trong khả năng trở thành người giám hộ. Quy định này hướng tới yêu cầu về khả năng nhận thức và làm chủ hành vi đầy đủ của cá nhân giám hộ. Bởi vì chỉ có người có mức độ năng lực hành vi dân sự như vậy mới có thể chăm sóc, bảo vệ cũng như đủ điều kiện pháp lý để thay mặt người được giám hộ tham gia các giao dịch trong cuộc sống.
- Cá nhân giám hộ được yêu cầu có tư cách đạo đức tốt, cùng các điều kiện cần thiết cho việc giám hộ. Điều kiện này là cơ sở cho các hoạt động giáo dục, nuôi dưỡng người được giám hộ.
- Lý lịch tư pháp của cá nhân làm người giám hộ cũng không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa được xóa án tích liên quan đến các tội xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác; cũng như không thuộc trường hợp đã bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên.
So sánh với Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 49 Bộ luật Dân sự năm 2015 giữ nguyên các quy định và bổ sung thêm điều kiện về trường hợp không bị Tòa án tuyên hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên. Xét tổng thể, các điều kiện được quy định trong điều luật đều đảm bảo các yếu tố cần thiết được đặt ra cho người giám hộ. Tuy nhiên, vì các điều kiện chỉ dừng ở mức định tính nên việc xem xét thế nào là phù hợp không phải là đơn giản. Ví dụ: Điều kiện về tư cách đạo đức tốt là khó có thước đo để đánh giá, hoặc điều kiện về các điều kiện cần thiết cũng tương đối mơ hồ, không rõ ràng.
Điều 49. Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ
Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
4. Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338