Language:
Gã trai trẻ tống tiền người phụ nữ bằng clip và ảnh nóng sẽ bị xử lý ra sao?
07/07/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Thông tin từ báo chí, từ tháng 3 đến tháng 6/2023, thông qua mạng xã hội Tiktok, đối tượng Kh có quen và nảy sinh tình cảm yêu đương với chị T. (ngụ địa bàn huyện Thường Xuân). Trong những lần lần hẹn hò, quan hệ, Kh đã sử dụng điện thoại chụp ảnh, quay clip cảnh ân ái giữa hai người. Đầu tháng 6/2023, khi chị T. nói có gia đình và muốn chấm dứt tình cảm với thanh niên này. Nảy sinh ý đồ tống tiền, Kh nhiều lần đe dọa, uy hiếp nếu không đưa 5 triệu đồng thì sẽ gửi hình ảnh, clip lúc ân ái giữa hai người lên mạng xã hội và gửi cho người thân chị T. Do lo sợ nên chị T. chuyển cho Kh 3 triệu đồng. Còn 2 triệu đồng chị T. muốn gặp mặt đưa trực tiếp để Khoa xóa hết các hình ảnh, clip. Khi Kh đang nhận 2 triệu đồng tiền mặt thì bị lực lượng công an bắt quả tang. (Link thông tin https://vtc.vn/ga-trai-tre-quay-clip-luc-an-ai-de-tong-tien-nguoi-phu-nu-da-co-gia-dinh-ar804690.html?)

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, những vụ án như thế này hiện nay tượng đối nhiều, điều đáng chú ý là nhiều nạn nhân do xấu hổ, do sợ ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của bản thân nên im lặng thoả hiệp để đưa tiền theo lời đề nghị của đối tượng xấu, cá biết có nhiều trường hợp đối tượng thực hiện hành vi cưỡng đoạt tiền, tài sản nhiều lần do nạn nhân không tố giác mà im lặng làm theo yêu cầu của đối tượng phạm tội. Bởi vậy, khi gặp phải trường hợp bị dùng ảnh nóng, clip nóng để uy hiếp tinh thần, nạn nhân cần hết sức bình tĩnh tố giác sự việc tới cơ quan công an chứ không nên làm theo lời đề nghị của đối tượng.

Hiện nay do tư tưởng cởi mở trong vấn đề tình yêu, quan hệ tình cảm nhiều người đã không ngần ngại tự quay hoặc để cho người trong cuộc tự quay các clip, chụp các hình ảnh nóng về đời tư để lưu giữ lại, dẫn đến khi chấm dứt quan hệ đối phương trở mặt và sử dụng chính các hình ảnh và clip nóng này để thực hiện hành vi uy hiếp tinh thần để chiếm đoạt tài sản như sự việc này. Vì vậy, trong quan hệ yêu đương những người trong cuộc cần hết sức tỉnh táo, cần có quan hệ tình yêu, tình cảm nghiêm túc, hạn chế quay và chụp lại các hình ảnh, clip mang tính riêng tư để tránh rủi ro bị phát tán về sau hoặc bị sử dụng vì các mục đích xấu.

Trong vụ án này, hành vi của đối tượng là dùng thủ đoạn chiếm đoạt tài sản thông qua việc đe dọa, ép buộc, uy hiếp tinh thần nạn nhân bằng các hình ảnh và clip nóng, khiến nạn nhân lo sợ mà phải chuyển giao tài sản một cách miễn cưỡng do vậy hành vi này đã cấu thành Tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015. Pháp luật quy định người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì cấu thành tội phạm này. Khung hình phạt đối tượng có thể đối mặt quy định tại khoản 1 là từ 01-05 năm tù.

Hành vi cưỡng đoạt tài sản được quy định là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác do mình thực hiện là nguy hiểm cho xã hội. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác và mong muốn hậu quả đó xảy ra; Mục đích chiếm đoạt tài sản là yếu tố bắt buộc về mặt chủ quan của cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản, nếu không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì các hành vi này không phải là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Tội cưỡng đoạt tài sản là tội phạm cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Việc người thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần người khác có chiếm đoạt tài sản hay không không ảnh hưởng đến việc định tội danh.

Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338