Language:
Hiệu lực đối kháng với người thứ ba (Điều 297)
15/08/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

Hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm là một căn cứ pháp lý. Khi phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba nó sẽ là căn cứ để thực hiện việc xử lý tài sản và được pháp luật ghi nhận. Hiệu lực đối kháng với người thứ ba  cho quyền của bên nhận bảo đảm khi tài sản bảo đảm có nhiều người cùng có quyền. Bên nhận bảo đảm luôn được ưu tiên thanh toán trước những người khác. Mọi chủ thể khác đều phải chấp nhận và tôn trọng quyền của người nhận bảo đảm. Như vậy, mặc dù chủ thể khác có quyền đối với tài sản bảo đảm nhưng không nằm trong giao dịch bảo đảm thì vẫn phải tuân thủ những quy định và thỏa thuận về tài sản bảo đảm để đảm bảo quyền lợi cho chủ thể nhận bảo đảm. Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng khi được đăng ký hoặc thời điểm nắm giữ tài sản. Người nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng luôn được ưu tiên thanh toán trước.

Tại Điều 297 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Theo đó, biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm. Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Hiệu lực đối kháng với người thứ ba có thể hiểu là trong giao dịch bảo đảm, quyền và nghĩa vụ không chỉ phát sinh với các bên trong giao dịch mà còn phát sinh với bên thứ ba chiếm giữ tài sản. Đây là căn cứ pháp lý xác định quyền truy đòi tài sản bảo đảm và quyền được thanh toán của bên nhận bảo đảm trong trường hợp nhiều người cùng có quyền đối với tài sản bảo đảm. Từ quy định trên có thể thấy pháp luật quy định hai phương thức làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, đó là: đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ, chiếm giữ tài sản. Tùy thuộc vào từng biện pháp bảo đảm và từng loại tài sản khác nhau mà, mỗi qua hệ có phương thức phát sinh hiệu lực đối kháng khác nhau. Ví dụ: Đối với thế chấp bất động sản vay vốn tại ngân hàng, hiệu lực đối kháng chỉ phát sinh khi biện pháp bảo đảm được đăng ký. Do đối với thế chấp bên nhận thế chấp sẽ không nắm giữ tài sản, bên cạnh đó tính chất đặc thù của quyền sử dụng đất là phải đăng ký quyền sử dụng. Tuy nhiên, đối với biện pháp cầm giữ tài sản: đặc điểm của biện pháp bảo đảm này là bên có quyền thực hiện nắm giữ tài sản để đảm bảo bên có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Vì vậy, hiệu lực đối kháng sẽ phát sinh từ thời điểm bên có quyền nắm giữ tài sản.

Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán. Theo đó, Điều 7 nghị định 21/2021/NĐ-CP nghị định của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ như sau: Quyền của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm trong biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không thay đổi hoặc không chấm dứt trong trường hợp tài sản bảo đảm bị chuyển giao cho người khác do mua bán, tặng cho, trao đổi, chuyển nhượng, chuyển giao khác về quyền sở hữu; chiếm hữu, sử dụng hoặc được lợi về tài sản bảo đảm không có căn cứ pháp luật và không thuộc trường hợp quy định; Quyền truy đòi của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm không áp dụng đối với tài sản sau đây: Tài sản bảo đảm đã được bán, được chuyển nhượng hoặc đã được chuyển giao khác về quyền sở hữu do có sự đồng ý của bên nhận bảo đảm và không được tiếp tục dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận; Tài sản thế chấp được bán, được thay thế hoặc được trao đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 321 Bộ luật Dân sự; Tài sản bảo đảm không còn hoặc bị thay thế bằng tài sản khác. Trường hợp bên bảo đảm là cá nhân chết, pháp nhân chấm dứt tồn tại thì quyền truy đòi tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm không chấm dứt nhưng thực hiện theo quy định tại Điều 658 của Bộ luật Dân sự và quy định khác về thừa kế của Bộ luật Dân sự trong trường hợp bên bảo đảm là cá nhân chết hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể pháp nhân, phá sản trong trường hợp bên bảo đảm là pháp nhân bị giải thể, bị tuyên bố phá sản.

Trường hợp bên bảo đảm chuyển quyền sở hữu cho bên thứ ba thông quan hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đối, chuyển nhượng, chuyển giao quyền khác về quyền sở hữu; chiếm hữu; định đoạt hoặc được lợi từ tài sản mà không có căn cứ pháp luật, thì bên nhận bảo đảm vẫn có quyền truy đòi đối với tài sản đó. Bằng cách yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng hoặc quyền sử dụng tài sản của người thứ ba, bên có quyền sẽ nhận lại tài sản để xử lý. Tuy nhiên, bên nhận bảo đảm không có quyền truy đòi đối với tài sản thuộc các trường hợp:

Tài sản bảo đảm đã được bán, được chuyển nhượng hoặc đã được chuyển giao khác về quyền sở hữu do có sự đồng ý của bên nhận bảo đảm và không được tiếp tục dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận. Pháp luật quy định về quyền truy đòi là để bảo vệ quyền lợi cho bên nhận bảo đảm, trong trường hợp không biết về việc tài sản đã bị bên bảo đảm bán, chuyển nhượng. Do đó, nếu bên có quyền đã biết và đồng ý thì đương nhiên sẽ không có quyền truy đòi.

Tài sản là hàng hóa được luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà đã bị thế chấp được bán, được thay thế hoặc được trao đổi. Bởi vì trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa cần được lưu thông, sản xuất, để đem lại lợi nhuận. Đó là điều tất yếu trong trao đổi, sản xuất tài sản, nên bên có quyền không thể truy đòi tài sản được.

Tài sản bảo đảm không còn hoặc bị thay thế. Tài sản không còn khi bị tiêu hủy, bị tịch thu, bị thu hồi,…lúc này tài sản bảo đảm không còn tồn tại cũng không còn thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, đối tượng của quyền truy đòi không còn. Tài sản bị thay thế theo quy định tại điều 21 nghị định 21/2021/NĐ-CP, là tài sản có thể bị chia, tách, hợp nhất, sát nhập,..thì bên nhận bảo đảm cũng không có quyền truy đòi tài sản đó. (Đại học Luật Hà Nội (2017), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập II, Nxb.Công an nhân dân).

Các tài sản đều có thể dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ nếu thuộc sở hữu của bên bảo đảm. Đối với tài sản hình thành trong tương lai phải tùy thuộc vào nội dung, tính chất của từng biện pháp bảo đảm mà tài sản hình thành trong tương lai ở một dạng nhất định có thể là đối tượng của biện pháp bảo đảm này nhưng không thể là đối tượng của biện pháp bảo đảm khác. Đối với biện pháp cầm cố, thì tài sản bảo đảm là tài sản đã được hình thành, hiện hữu, phải là vật có sẵn tại thời điểm giao dịch thì tài sản mới giao được cho bên nhận cầm cố nhưng đối với biện pháp thế chấp thì có thể cho phép thế chấp tài sản đang được hình thành. Hiệu lực đối kháng với người thứ ba không thể phát sinh nếu đối tượng của biện pháp bảo đảm là một công việc hoặc là uy tín, bởi lẽ các đối tượng này mang tính chất nhân thân.

Điều 297. Hiệu lực đối kháng với người thứ ba

1. Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.

2. Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338