Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tại Điều 426 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng. Theo đó, trường hợp một bên làm mất, làm hư hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng mà không thể hoàn trả, đền bù bằng tài sản khác hoặc không thể sửa chữa, thay thế bằng tài sản cùng loại thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng. Bên vi phạm phải bồi thường bằng tiền ngang với giá trị của tài sản bị mất, bị hư hỏng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 351 và Điều 363 của Bộ luật Dân sự.
Theo quy định của Điều 426 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì nếu một bên có thể có quyền hủy bỏ họp đồng nếu bên kia làm mất, hư hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng mà không thể hoàn trả, đền bù bằng tài sản khác hoặc không thể sửa chữa, thay thế bằng tài sản cùng loại, thì đây là trường hợp hủy bỏ hợp đồng thuộc điểm c khoản 1 Điều 423 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Khi tài sản bị mất, hư hỏng một bên chỉ có thể hủy bỏ hợp đồng khi:
(1) Tài sản đó không thể hoàn trả, đền bù bằng tài sản khác. Tài sản có thể là vật đặc định hoặc vật cùng loại. Trường hợp này áp dụng khi đối tượng của hợp đồng là vật đặc định.
(2) Không thể sửa chữa thay thế bằng tài sản cùng loại.
Thông thường khi một bên vi phạm hợp đồng làm mất mát, hư hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng, thì bên vi phạm phải thay thế bằng một tài sản cùng loại khác hoặc phải sửa chữa khắc phục thiệt hại. Tuy nhiên, một số loại tài sản không thể thay thế hoặc sửa chữa được như đối tượng của hợp đồng là vật đặc định duy nhất, không có vật thứ hai thay thế… Trường hợp này, bên bị vi phạm sẽ hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận thay thế bằng vật khác. Bên vi phạm phải bồi thường bằng tiền ngang với giá trị của tài sản bị mất, bị hư hỏng. Tuy nhiên, giá trị của tài sản còn phụ thuộc vào yếu tố thời gian và không gian. Hành vi của một bên làm mất, hư hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng phải là do ý chí chủ quan, sự tác động trực tiếp từ họ, tức phải xem xét đến yếu tố lỗi. Trong trường hợp, tài sản bị mất, hư hỏng do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hay do lỗi của bên có quyền thì, bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.
Điều 426. Hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng
Trường hợp một bên làm mất, làm hư hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng mà không thể hoàn trả, đền bù bằng tài sản khác hoặc không thể sửa chữa, thay thế bằng tài sản cùng loại thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng.
Bên vi phạm phải bồi thường bằng tiền ngang với giá trị của tài sản bị mất, bị hư hỏng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 351 và Điều 363 của Bộ luật này.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338