Language:
Luật Phí và lệ phí năm 2015
07/02/2024
icon-zalo

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
--------

 

Số: 37/VBHN-VPQH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
---------------


    Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2020

LUẬT
PHÍ VÀ LỆ PHÍ

Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, được sửa đổi, bổ sung bởi: 

1. Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018;

2. Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019;

3. Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Phí và lệ phí [1].

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 
Luật này quy định về Danh mục phí, lệ phí; người nộp phí, lệ phí; tổ chức thu phí, lệ phí; nguyên tắc xác định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí; thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức trong quản lý phí, lệ phí.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, bao gồm cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức, cá nhân liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này. 
2. Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này. 
Điều 4. Danh mục và thẩm quyền quy định phí, lệ phí 
1. Danh mục phí, lệ phí được ban hành kèm theo Luật này. 
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quy định các khoản phí, lệ phí trong Danh mục phí, lệ phí, được quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí. 
Điều 5. Áp dụng Luật Phí và lệ phí, các luật có liên quan và điều ước quốc tế 
1. Trường hợp luật khác có quy định về phí, lệ phí thì các nội dung về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí thực hiện theo quy định của Luật này.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 6. Người nộp phí, lệ phí
Người nộp phí, lệ phí là tổ chức, cá nhân được cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước theo quy định của Luật này.
Điều 7. Tổ chức thu phí, lệ phí
Tổ chức thu phí, lệ phí bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được thu phí, lệ phí theo quy định của Luật này.

Chương II
NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH MỨC THU, MIỄN, GIẢM PHÍ, LỆ PHÍ 

Điều 8. Nguyên tắc xác định mức thu phí
Mức thu phí được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.
Điều 9. Nguyên tắc xác định mức thu lệ phí
Mức thu lệ phí được ấn định trước, không nhằm mục đích bù đắp chi phí; mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân. 
Điều 10. Miễn, giảm phí, lệ phí
1. Các đối tượng thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí bao gồm trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm án phí và lệ phí tòa án.
3. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền. 
4. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.

Chương III 
KÊ KHAI, THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ

Điều 11. Kê khai, nộp phí, lệ phí
1. Phí, lệ phí theo quy định tại Luật này là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, không chịu thuế.
2. Người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh. 
3. Người nộp phí, lệ phí thực hiện nộp phí, lệ phí cho cơ quan thu hoặc Kho bạc Nhà nước bằng các hình thức: nộp trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thông qua tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ và hình thức khác theo quy định của pháp luật.
4. Phí, lệ phí thu tại Việt Nam bằng đồng Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật quy định được thu phí, lệ phí bằng ngoại tệ. Phí, lệ phí thu ở nước ngoài được thu bằng tiền của nước sở tại hoặc bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 12. Thu, nộp, quản lý và sử dụng phí 
1. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước, trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước. 
Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí trên cơ sở dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước.
2. Số tiền phí được khấu trừ và được để lại quy định tại khoản 1 Điều này được sử dụng như sau: 
a) Số tiền phí được để lại cho tổ chức thu để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng loại phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định mức để lại cho tổ chức thu phí; 
b) Số tiền phí để lại được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật; hằng năm phải quyết toán thu, chi. Số tiền phí chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.
3. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp ngân sách nhà nước; việc quản lý và sử dụng phí thu được theo quy định của pháp luật. 
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 13. Thu, nộp lệ phí 
1. Tổ chức thu lệ phí phải nộp đầy đủ, kịp thời số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước.
2. Nguồn chi phí trang trải cho việc thu lệ phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Chương IV
QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC THU VÀ NGƯỜI NỘP PHÍ, LỆ PHÍ

Điều 14. Trách nhiệm của tổ chức thu phí, lệ phí
1. Niêm yết công khai tại địa điểm thu và công khai trên Trang thông tin điện tử của tổ chức thu phí, lệ phí về tên phí, lệ phí, mức thu, phương thức thu, đối tượng nộp, miễn, giảm và văn bản quy định thu phí, lệ phí.
2. Lập và cấp chứng từ thu cho người nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
3. Thực hiện chế độ kế toán; định kỳ báo cáo quyết toán thu, nộp, sử dụng phí, lệ phí; thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của pháp luật.
4. Hạch toán riêng từng loại phí, lệ phí.
5. Báo cáo tình hình thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí.
Điều 15. Quyền, trách nhiệm của người nộp phí, lệ phí
1. Nộp đúng, đủ, kịp thời phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. 
2. Được nhận chứng từ xác nhận số phí, lệ phí đã nộp. 
Điều 16. Hành vi nghiêm cấm và xử lý vi phạm
1. Các hành vi nghiêm cấm bao gồm:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí; 
b) Thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật. 
2. Trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về phí, lệ phí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương V
THẨM QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VỀ QUẢN LÝ PHÍ VÀ LỆ PHÍ

Điều 17. Thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
1. Giữa hai kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
2. Quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
Điều 18. Thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ
1. Thống nhất quản lý nhà nước về phí, lệ phí.
2. Giữa hai kỳ họp Quốc hội, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí. 
3. Quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.
4. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án. 
5. Hướng dẫn thực hiện thống nhất các khoản phí, lệ phí trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật này.
Điều 19. Thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Tài chính
1. Giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về phí, lệ phí. 
2. Trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về phí, lệ phí.
3. Quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền. 
4. Tổ chức và hướng dẫn thực hiện thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phí, lệ phí.
5. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ 
1. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Luật Phí và lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
2. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thực hiện thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
3. Báo cáo tình hình thực hiện thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
4. Kiến nghị với Bộ Tài chính về những hoạt động cần thu phí, lệ phí, để Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí; kiến nghị với Chính phủ hoặc Bộ Tài chính về mức thu, nộp, miễn, giảm, quản lý và sử dụng đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
Điều 21. Thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh 
1. Quyết định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.
2. Xem xét, cho ý kiến để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.
Điều 22. Thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.
2. Tổ chức thực hiện và báo cáo tình hình thực hiện thu phí, lệ phí ở địa phương với cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
3. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. 
4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về phí và lệ phí theo quy định của pháp luật.
5. Báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. 

Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH [2]

Điều 23. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017. 
2. Sửa đổi, bãi bỏ các quy định sau đây:
a) Bãi bỏ khoản 3 Điều 75 của Luật Giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 48/2014/QH13;
b) Bãi bỏ điểm a khoản 2 Điều 74 của Luật Đường sắt số 35/2005/QH11;
c) Bỏ cụm từ “lệ phí tuyển sinh” tại Điều 101 và Điều 105 của Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2009/QH12, Điều 64 và Điều 65 của Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13, Điều 28 và Điều 29 của Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13;
d) Bãi bỏ khoản 4 Điều 18 của Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 46/2014/QH13;
đ) Bãi bỏ Điều 25 và khoản 3 Điều 15 của Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12;
e) Bãi bỏ Chương IV-A về thuế môn bài quy định tại Nghị quyết số 200/NQ-TVQH ngày 18 tháng 01 năm 1966 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ấn định thuế công thương nghiệp đối với các hợp tác xã, tổ chức hợp tác và hộ riêng lẻ kinh doanh công thương nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 10-LCT/HĐNN7 sửa đổi một số điều về thuế công thương nghiệp ngày 26 tháng 02 năm 1983, Pháp lệnh bổ sung, sửa đổi một số điều lệ về thuế công thương nghiệp và điều lệ về thuế hàng hóa ngày 17 tháng 11 năm 1987 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều trong Pháp lệnh, Điều lệ về thuế công thương nghiệp và thuế hàng hóa ngày 03 tháng 3 năm 1989.
3. Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 và Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án số 10/2009/PL-UBTVQH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Điều 24. Quy định chuyển tiếp
Các khoản phí trong Danh mục phí và lệ phí kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá do Nhà nước định giá theo Danh mục tại Phụ lục số 2 kèm theo Luật này được thực hiện theo Luật Giá kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Chính phủ quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền quy định giá và hình thức định giá.
Điều 25. Quy định chi tiết 
Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
CHỦ NHIỆM

 


Nguyễn Hạnh Phúc

Tải văn bản luật tại đây và Danh mục phí, lệ phí: Luật Phí, lệ phí năm 2015 và phụ lục

________________________________________
[1] Luật Du lịch số 09/2017/QH14 có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Du lịch.”.
Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Cạnh tranh.”.
Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường.”.
[2] Điều 77 của Luật Du lịch số 09/2017/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 quy định như sau:
“Điều 77. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
2. Luật Du lịch số 44/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.”.
Điều 117 của Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 quy định như sau:
“Điều 117. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.
2. Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.”.
Điều 170 và Điều 171 của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 quy định như sau:
“Điều 170. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Khoản 3 Điều 29 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2021.
3. Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14, Luật số 39/2019/QH14 và Luật số 61/2020/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Điều 171. Điều khoản chuyển tiếp
1. Hồ sơ đầy đủ, hợp lệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận để giải quyết theo thủ tục hành chính về môi trường trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được xử lý theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị thực hiện theo quy định của Luật này.
2. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ, báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, báo cáo đánh giá tác động môi trường lập lại, đề án bảo vệ môi trường chi tiết và văn bản xác nhận đề án bảo vệ môi trường đơn giản, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành là văn bản tương đương với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường khi xem xét, cấp giấy phép môi trường. 
3. Quyết định phê duyệt đề án ký quỹ, cải tạo, phục hồi môi trường; dự án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành là một phần của quyết định phê duyệt, văn bản xác nhận quy định tại khoản 2 Điều này đối với dự án khai thác khoáng sản khi xem xét, cấp giấy phép môi trường. 
4. Giấy chứng nhận, xác nhận có thời hạn về môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 42 của Luật này, được tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn.
5. Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đã được cấp theo quy định của Luật Tài nguyên nước và Luật Thủy lợi được tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn của giấy phép và là một phần của giấy phép môi trường quy định tại Luật này. Tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi được đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường trong trường hợp đã hoàn thành công trình, thiết bị xử lý khí thải, quản lý chất thải rắn theo quy định của Luật này.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”.
[3] Điểm này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 3 Điều 116 của Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.
[4] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 76 của Luật Du lịch số 09/2017/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
[5] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 76 của Luật Du lịch số 09/2017/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
[6] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 169 của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
[7] Điểm này được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 169 của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
[8] Điểm này được bãi bỏ theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 169 của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
[9] Điểm này được bãi bỏ theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 169 của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
[10] Tiểu mục này được bãi bỏ theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 169 của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Văn phòng Luật sư Nhân Chính

Địa chỉ: 3E ngõ 134 phố Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338

Tags
Luật phí và lệ phí Luật phí và lệ phí năm 2015 Phí và lệ phí Phí Lệ phí Danh mục phí và lệ phí Xác định mức thu phí và lệ phí Miễn giảm phí và lệ phí Kê khai phí và lệ phí Thu phí và lệ phí Nộp phí và lệ phí Quản lý phí và lệ phí Sử dụng phí và lệ phí Người nộp phí và lệ phí Thẩm quyền quản lý phí và lệ phí Thẩm quyền thu phí và lệ phí Dịch vụ luật sư Dịch vụ luật sư uy tín Dịch vụ pháp lý Danh sách luật sư Hà Nội Danh bạ luật sư Đoàn luật sư Hà Nội Liên đoàn luật sư Việt Nam luật sư Đồng luật sư nguyễn văn đồng luật sư khuyên luật sư hà thị khuyên Nhân chính Nhanchinh.vn Luật Nhân Chính Văn phòng Luật sư Nhân Chính Nhân Chính Law Firm Tư vấn luật Tư vấn pháp luật Tìm luật sư Tìm luật sư giỏi luật sư luật sư giỏi Luật sư tại Hà Nội Luật sư uy tín Luật sư Quận Thanh Xuân Luật sư Hà Nội luật sư việt nam luật sư tranh tụng Luật sư tố tụng Luật sư tư vấn Luật sư giải quyết tranh chấp luật sư bào chữa Luật sư hình sự Luật sư dân sự Luật sư giải quyết án hành chính Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp Luật sư hợp đồng Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng Luật sư đất đai Luật sư tư vấn đất đai Luật sư nhà đất Luật sư giải quyết tranh chấp đất đai Luật sư thừa kế Luật sư giải quyết tranh chấp thừa kế Luật sư Ly hôn Luật sư hôn nhân và gia đình Luật sư thu hồi nợ Luật sư kinh doanh thương mại Luật sư doanh nghiệp Luật sư sở hữu trí tuệ luật sư lao động Luật sư nổi tiếng Luật sư hòa giải luật sư đối thoại Luật sư đàm phán Văn phòng luật Văn phòng luật sư Văn phòng luật sư uy tín Văn phòng luật sư gần nhất Văn phòng luật sư Hà Nội Văn phòng luật sư uy tín tại Hà Nội Công ty luật Tổ chức hành nghề luật sư 0983951338 0936683699