Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Thời gian quan, tại Việt Nam xuất hiện nhiều sản phẩm có chứa ma túy tổng hợp pha trộn, đóng gói núp bóng dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc, ccác loại bánh kẹo. Bạn đọc băn khoăn đối với những người buôn bán có chủ đích đối với các loại đồ ăn, thức uống hoặc thuốc lá điện tử có chứa hợp chất ma túy tổng hợp này thì sẽ bị xử lý ra sao? Còn đối với những người buôn bán tạp hóa chỉ qua trung gian và không biết, không có chủ đích thì bị xử lý thế nào?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên và Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, thời gian gần đây, cơ quan chức năng một số địa phương đã phát hiện vụ việc ma túy tổng hợp có trong thực phẩm, đồ uống, gây tâm lý lo lắng cho người dân, ma túy tổng hợp đang tìm đủ mọi cách để tấn công vào người dân nói chung, đặc biệt là giới trẻ như học sinh, sinh viên. Để lôi kéo được một số lượng người nghiện lớn thì ma túy tổng hợp luôn thay đổi về mẫu mã, hình thức, đặc biệt là tác dụng kích thích. Dưới nhiều góc độ khác nhau, ma túy tổng hợp được núp bóng ở các đồ ăn, nước uống, các loại thực phẩm chức năng. Ma túy tổng hợp đã vào Việt Nam bằng một số con đường, đặc biệt là hình thức vận chuyển không chính thức như qua các con đường tiểu ngạch, hàng xách tay, đường hàng không.
Nếu không kiểm soát tốt để các thực phẩm chứa ma túy tổng hợp tràn lan trên thị trường và len lỏi vào môi trường học đường, thì sẽ để lại nhiều hệ lụy xấu xảy ra, việc sử dụng thực phẩm có ma túy có thể gặp các ngộ độc tức thời như: thần kinh bị lẫn lộn, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần; loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, suy hô hấp... Thậm chí, có thể gây tử vong. Còn nếu sử dụng thực phẩm có ma túy lâu dài sẽ gây nghiện. Nghiện ma túy tổng hợp sẽ gặp nhiều chứng bệnh mạn tính: suy giảm miễn dịch, mắc bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh mạch vành, hội chứng nôn nặng dai dẳng… Đặc biệt với người trẻ như học sinh, sinh viên nghiện ma túy làm giảm khả năng nhận thức và học hành, giảm quá trình hồi phục trí nhớ, giảm khả năng tập trung, giảm chức năng điều hành (giảm kiểm soát nhận thức và hành vi). Ngoài ra, người nghiện ma túy tổng hợp cũng dễ bị tai nạn giao thông do giảm khả năng phản ứng, giảm tập trung).
Nghị định số 73/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất được phép sử dụng trong y học và những chất bị cấm sử dụng được quy định rất rõ để cơ quan chức năng và người dân có thể nhận biết, phân biệt được những loại ma túy và tiền chất bị cấm.
Đối với những người buôn bán có chủ đích các loại đồ ăn, thức uống hoặc thuốc lá điện tử có chứa hợp chất ma túy tổng hợp, nếu hành vi chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021 của Chính phủ, cụ thể tại khoản 2, Điều 23 phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua, bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy. Tại Khoản 4, Điều 23 phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi môi giới, giúp sức hoặc hành vi khác giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Tại khoản 5, Điều 23 phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi cung cấp địa điểm, phương tiện cho người khác sử dụng, tàng trữ, mua, bán trái phép chất ma túy; vi phạm các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất ma túy.
Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết thêm, còn nếu hành vi của những người buôn bán có chủ đích đối với các loại đồ ăn, thức uống hoặc thuốc lá điện tử có chứa hợp chất ma túy tổng hợp có tính chất, mức độ nghiêm trọng, là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu tội phạm và đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì các đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội Tàng trữ trái phép chất ma túy quy định tại Điều 249, tội Vận chuyển trái phép chất ma túy quy định tại Điều 250, tội Mua bán trái phép chất may túy quy định tại Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt cao nhất đối với các tội danh này lên tới mức tù chung thân hoặc tử hình, tùy thuộc tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội.
Còn đối đối với những người buôn bán tạp hóa, buôn bán nhỏ lẻ chỉ là trung gian, do không có kiến thức nên không nhận biết được, không có chủ đích kinh doanh các loại đồ ăn, thức uống hoặc thuốc lá điện tử có chứa hợp chất ma túy tổng hợp thì không bị xử lý, tuy nhiên phải hợp tác để cung cấp thông tin nguồn gốc sản phẩm, đầu mối và đường dây sản xuất, vận chuyển những mặt hàng cấm này, đồng thời những mặt hàng vi phạm sẽ bị tịch thu để tiêu hủy theo quy định.
Đối với các loại thực phẩm, đồ uống có nguồn gốc không rõ ràng, trôi nổi trên thị trường, được đưa từ nước ngoài về người dân sử dụng phải hết sức cảnh giác, các cơ quan đoàn thể và nhà trường cần tăng cường tuyên truyền phổ biến để học sinh, sinh viên nắm được. Người lớn cần tuyên truyền cho các cháu nhỏ khi sử dụng các đồ ăn, thức uống lạ và không sử dụng nếu không biết nguồn gốc, nơi cấp phép của các loại thực phẩm này.
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đã qui định rất rõ, rất chi tiết, cụ thể đối với từng cơ quan, ban ngành, chuyên ngành về công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, trong đó các bộ như Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các bộ chuyên ngành khác như Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, các đơn vị liên quan đều có chức năng, nhiệm vụ cụ thể về công tác phòng, chống ma túy; Hải quan cũng là đơn vị kiểm soát các mặt hàng từ bên ngoài vào Việt Nam. Cần có sự phối hợp giữa các đơn vị đã được giao nhiệm vụ này một cách rõ ràng để hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa đạt hiệu quả, cần tăng cường sự trao đổi hướng dẫn về mặt nghiệp vụ của các lực lượng để phòng ngừa tội phạm ma túy từ xa đạt hiệu quả tốt.