Tại Điều 16 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định năng lực pháp luật dân sự của cá nhân. Theo đó, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết. Do các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân trong pháp luật dân sự đa dạng và phong phú, nên chủ thể cũng đa dạng, nhưng chủ thể phổ biến của quan hệ dân sự trước hết là những cá nhân (một số tài liệu trước đây còn gọi là tự nhiên nhân, thể nhân, công dân). Muốn tham gia các quan hệ dân sự và trở thành chủ thể quan hệ đó các chủ thể phải có tư cách chủ thể để tham gia các quan hệ đó. Tư cách của từng loại chủ thể do Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định. Tư cách chủ thể trước hết đó là năng lực pháp luật dân sự cá nhân.
(1) Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự:
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân theo quy định của pháp luật dân sự là tiền đề pháp lý cần thiết để cá nhân tham gia các quan hệ dân sự. Những khả năng này do pháp luật dân sự quy định và ghi nhận, không phụ thuộc vào ý chí, mong muốn của cá nhân. Phạm vi năng lực pháp luật dân sự của cá nhân bao gồm: các quyền và nghĩa vụ dân sự trong các quan hệ dân sự. Năng lực pháp luật là một bộ phận quan trọng cấu thành tư cách chủ thể của cá nhân.
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân chính là cơ sở pháp lý và là khả năng để cá nhân: có tài sản thuộc sở hữu của mình, tham gia và xác lập các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản, quyền tài sản; là khả năng của cá nhân có quyền để và nhận di sản thừa kế; là khả năng cá nhân được sáng tạo và có quyền tác giả đối với những sản phẩm thuộc sở hữu trí tuệ, là khả năng cá nhân có các quyền nhân thân theo quy định từ Điều 25 đến Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015 và các quyền dân sự khác.
Theo quyền con người cơ bản được quy định tại Điều 16 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; thì mọi cá nhân là chủ thể của quan hệ dân sự đều được bình đẳng về năng lực pháp luật dân sự. Nghĩa là, mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau, không có bất kỳ sự phân biệt nào.
(2) Mọi cá nhân đều có năng lực pháp hiật dân sự như nhau:
Do chủ thể của quan hệ dân sự là bình đẳng, nên trong pháp luật dân sự, mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân theo quy định của pháp luật dân sự có tính chất tuyệt đối: trong mọi hoàn cảnh, trong mọi điều kiện… năng lực pháp luật luôn là một khả năng của cá nhân, cá nhân có quyền dân sự như nhau. Khi có điều kiện nhất định, khả năng có quyền dân sự như nhau sẽ trở thành hiện thực đối với chủ thể của quan hệ dân sự.
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân mới chỉ là một “khả năng có tính chất tiền đề như một loại quyền khách quan do Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định. Tiền đề đó phải có những sự kiện pháp lý xảy ra và thông qua sự kiện pháp lý đó thì năng lực pháp luật của cá nhân mới có thể trở thành hiện thực trong các quan hệ dân sự. Do đó, người ta nói rằng, mối quan hệ giữa năng lực pháp luật và quyền dân sự cụ thể của cá nhân là mối quan hệ giữa khả năng và hiện thực.
(3) Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết:
Theo nguyên lý chung của pháp luật dân sự, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ lúc người đó sinh ra và gắn liền với một cá nhân suốt đời cho đến khi chết, không chịu ảnh hưởng của tuổi tác, trạng thái tâm thần, tình trạng tài sản, địa vị xã hội, kinh nghiệm sống… Trong một số trường hợp cần thiết, luật dân sự còn công nhận và bảo vệ quyền lợi cho cá nhân khi người đó còn là thai nhi (xem thêm quy định về người thừa kế tại Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Do tính chất đặc thù của năng lực pháp luật dân sự là thuộc tính” gắn liền với một cá nhân suốt đời, nên năng lực pháp luật của cá nhân có từ khi cá nhân đó sinh ra và gắn liền với người đó cho đến khi chết.
Năng lực pháp luật của cá nhân chỉ là một “khả năng” do pháp luật dân sự quy định, nên về bản chất pháp lý không phụ thuộc vào tuổi tác, hoàn cảnh, tình trạng tài sản, địa vị xã hội hoặc chịu ảnh hưởng bởi trạng thái tinh thần của một cá nhân cụ thể. Khoản 3 Điều 16 Bộ luật Dân sự năm 2015 tiếp tục quy định năng lực pháp luật của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.
Do tính chất đặc thù, nên pháp luật dân sự còn quy định một số trường hợp ngoại lệ. Đó là trường hợp sẽ là người thừa kế, tuy chưa phải là chủ thể tồn tại trong thực tế nhưng vẫn có thể được hưởng năng lực pháp luật dân sự. Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp này mặc dù “người” đó chưa sinh ra nhưng đã thành thai và còn sống sau khi sinh ra thì vẫn được hưởng di sản thừa kế của người chết để lại. Trong thực tế, chỉ khi nào đáp ứng được các quy định như trên thì cá nhân đó có quyền hưởng năng lực pháp luật.
Vì vậy, những người chết lưu” (chết trước khi sinh ra) hoặc sinh ra mà chết ngay thì không được quyền hưởng thừa kế. Trước đây, khoa học luật dân sự còn có khái niệm “thể nhân”, nghĩa là con người chỉ mới là hình thể – giai đoạn đã thụ thai – sau đó sinh ra và còn sống sẽ là chủ thể khi nhận thừa kế hoặc khi nhận bồi thường thiệt hại trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Điều 16. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.
2. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.
3. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338