Di chúc được xem xét là một giao dịch dân sự đơn phương. Là một giao dịch dân sự nếu muốn được thừa nhận là có hiệu lực pháp luật thì phải đáp ứng bốn điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự nói chung theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tại Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người lập di chúc. Theo đó, người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015 thì người thành niên là nhười từ đủ 18 tuổi và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Năng lực hành vi được hiểu là khả năng cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự. Lập di chúc là một trong những quyền dân sự của cá nhân, vì thế cá nhân muốn lập di chúc phải đáp ứng điều kiện của pháp luật về năng lực chủ thể. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, di chúc do cá nhân là người thành niên lập có hiệu lực pháp luật khi đáp ứng hai điều kiện sau:
Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép; di chúc thể hiện ý chí độc lập của người lập nhằm định đoạt tài sản của mình, chỉ chủ sở hữu mới có quyền định đoạt tài sản. Nguyên tắc của pháp luật khi một chủ thể tham gia xác lập, thực hiện các quan hệ pháp luật dân sự là tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận, mọi hành vi ngăn cản, cưỡng ép… dẫn đến di chúc được lập trái với ý chí của người lập di chúc đều không được pháp luật công nhận.
Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái quy định của luật; quy định pháp luật, đạo đức xã hội là khung pháp lý chung điều chỉnh mọi hành vi của các chủ thể trong quan hệ dân sự, đây là căn cứ để xác định một hành vi có được pháp luật công nhận và bảo hộ hay không; hình thức của di chúc có thể bằng văn bản hoặc bằng miệng, ngoài hai hình thức trên thì di chúc không có hiệu lực.
Người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, tại khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Đối với hành vi lập di chúc, người chưa thành niên được thực hiện, tuy nhiên vì tính chất cả hành vi này liên quan đến chuyển quyền sở hữu tài sản nên phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ là những người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; quy định này cũng đồng nghĩa với việc cha, mẹ, người giám hộ không có quyền can thiệp vào nội dụng di chúc nếu nội dung đó đúng với quy định của pháp luật, nội dung di chúc vẫn thể hiện ý chí độc lập của chủ thể lập ra nó.
(1) Điều kiện về năng lực chủ thể:
Pháp luật đòi hỏi người lập di chúc phải đạt đến một độ tuổi nhất định đồng thời phải đủ khả năng nhận thức của việc định đoạt tài sản của mình. Với những lý do đó mà pháp luật dân sự yêu cầu người lập di chúc phải là người đã thành niên (đủ 18 tuổi trở lên) và hoàn toàn có khả năng nhận thức vào thời điểm lập di chúc.
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, người lập di chúc có thể lập di chúc nhưng với Điều kiện phải được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Sự đồng ý trong trường hợp này dừng lại ở phương diện cho lập di chúc hay không; một khi đã đồng ý thì phải tôn trọng quyền định đoạt của người này trong nội dung của di chúc chứ không có quyền quyết định hay can thiệp đến sự tự do bày tỏ ý chí của họ.
(2) Điều kiện về ý chí của người lập di chúc:
Đây là một trong những điều kiện nhằm đảm bảo di chúc thể hiện đúng ý nguyện, sự định đoạt, quyết định của người lập di chúc về việc dịch chuyển tài sản của họ sau khi chết.
Người lập di chúc phải tự nguyện khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép. Tự nguyện của người lập di chúc là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí của họ, là sự thống nhất giữa ý chí chủ quan, mong muốn bên trong và sự thể hiện ra bên ngoài làm mất đi tính tự nguyện của người lập di chúc. Sự thống nhất này có thể bị phá vỡ trong những trường hợp người lập di chúc hoặc di chúc do họ lập trên cơ sở bị lừa dối.
Cưỡng ép người lập di chúc có thể là sự cưỡng ép về thể chất (đánh đập, thúc ép, giam cầm...) hoặc về tinh thần (như đe doạ làm mất uy tín, đe doạ gây thiệt hại đến người thân...).
Lừa dối người lập di chúc có thể được thực hiện thông qua việc đưa thông tin sai lệch để cho người có tài sản tin rằng một người đã chết hoặc đã mất tích nên không lập di chúc để lại di sản cho người đó mà để lại di sản cho người khác; đưa tin sai lệch, thất thiệt, vu cáo để người để lại di sản truất quyền thừa kế của người khác, thậm chí trong nhiều trường hợp làm sai lệch nội dung di chúc rồi đưa cho người đó ký.
(3) Điều kiện về nội dung của di chúc:
Nội dung của di chúc là sự thể hiện ý chí của người lập di chúc về việc định đoạt tài sản của mình cho những người thừa kế, phân chia di sản thừa kế, giao nghĩa vụ cho người thừa kế, các định đoạt về quản lý di sản... Bản thân di chúc đã thể hiện ý chí tự định đoạt rất cao của người để lại di chúc trong việc định đoạt tài sản của mình sau khi qua đời cho những người còn sống. Pháp luật không can thiệp sâu vào sự tự do ý chí ấy, song điều đó không có nghĩa là quyền định đoạt ấy không chịu sự ràng buộc nào của pháp luật.
Cũng như trong các lĩnh vực pháp luật khác, ý chí tự định đoạt của người lập di chúc phải phù hợp với ý chí của nhà nước, đạo đức xã hội, tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 8, Điều 10, Điều 11 về tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp tôn trọng lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và nguyên tắc tuân thủ pháp luật. Nếu di chúc có nội dung trái với pháp luật và đạo đức xã hội, trái với nguyên tắc nói trên thì có thể bị coi là vô hiệu.
Thực tế, thể hiện của vi phạm này khá đa dạng và để xác định mức độ vi phạm dẫn đến di chúc vô hiệu trong nhiều trường hợp khá khó khăn, đặc biệt khi cho rằng điều đó trái với đạo đức xã hội. Khi xem xét cần căn cứ nhiều yếu tố để xác định mức độ xâm phạm, vi phạm để có kết luận chính xác. Mặt khác theo quy định của Điều 653 Bộ luật Dân sự năm 2015, nội dung của di chúc bằng văn bản ghi rõ những nội dung cơ bản và cần thiết của di chúc như: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản; Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
Về kỹ thuật di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
(4) Điều kiện về hình thức của di chúc:
Hình thức của di chúc là phương thức biểu hiện ý chí của người lập di chúc - (nội dung của di chúc), là căn cứ pháp lý làm phát sinh quan hệ thừa là chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho người được chỉ định trong di chúc. Pháp luật quy định di chúc phải được lập dưới những hình thức nhất định. Về hình thức, di chúc có thể tồn tại ở hình thức di chúc miệng hoặc đi chúc bằng văn bản.
Di chúc miệng là loại di chúc mà toàn bộ ý chí của người lập, di chúc miệng thể hiện bằng lời nói.
Di chúc bằng văn bản là loại di chúc được thể hiện dưới dạng chữ viết (viết tay, đánh máy, in) và có thể thể hiện dưới dạng di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có công chứng; di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Vì thế, tuỳ theo loại di chúc mà pháp luật quy định những điều kiện, thủ tục về mặt hình thức, khi không đáp ứng những điều kiện đó, di chúc bị coi là vô hiệu.
Điều 625. Người lập di chúc
1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338