Thừa kế là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho những chủ thể còn sống theo ý chí của người để lại tài sản hoặc theo quy định pháp luật. Do đó, cần nắm chắc các quy định về quyền thừa kế, di sản, người thừa kế; thời điểm, địa điểm mở thừa kế; thời hiệu thừa kế. Tại Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền thừa kế. Theo đó, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự thuộc 03 hàng thừa kế quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người thừa kế theo pháp luật. Theo quy định tại điều luật này thì những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau; những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Cụ thể:
(1) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: "vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết", những người thuộc hàng thừa kế này là những người có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng với nhau. Những người này có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, làm đại diện, giám hộ cho nhau khi một người không có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; trong hàng thừa kế này có xuất hiện quan hệ cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi của người chết, những quan hệ này được xác lập dựa trên ý chí của chủ thể, tuy nhiên nó chỉ được xem là hàng thừa kế thứ nhất nếu được pháp luật công nhận (tức cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi hợp pháp); trong quan hệ cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có thể chỉ phát sinh dựa trên lời nói, chứ trên thực tế không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ các bên; nên cần thiết phải được pháp luật công nhận giữa những chủ thể đó đã xác lập quan hệ nuôi dưỡng với nhau có như vậy mới làm phát sinh quyền thừa kế giữa họ.
(2) Hàng thừa kế thứ hai gồm: "ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại", những người thừa kế này có quan hệ huyết thống với nhau. Giữ ông bà nội, ông bà ngoại và cháu có thể chăm sóc, giáo dục, trông nom lẫn nhau, vì vậy khi ông bà chết cháu có thể trở thành người thừa kế theo pháp luật và ngược lại. Anh chị em ruột có thể xác định là anh chị em cùng cha mẹ sinh ra hoặc anh chị em cùng cha khác mẹ hay cùng mẹ khác cha. Giữa anh chị em có nghĩa vụ yêu thương và chăm sóc lẫn nhau (Luật Hôn nhân và Gia đình đã quy định). Họ có mối quan hệ huyết thống với nhau, cho nên đương nhiên sẽ trở thành người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ hai của nhau. Song trong trường hợp này không áp dụng đối với anh chị em là con nuôi, bởi hành thừa kế này được xác lập dựa trên quan hệ huyết thống, mà giữa anh chị em là con nuôi của bố mẹ không có cùng huyết thống, vì vậy họ không thuộc hàng thừa kế thứ hai.
(3) Hàng thừa kế thứ ba gồm: "cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại", người thừa kế được quy định thuộc hàng thừa kế thứ ba nhằm đảm bảo sự nối tiếp quyền sở hữu tài sản giữa những người có quan hệ gần gũi, thân thiết, bởi đây là những người thuộc nhiều thế hệ khác nhau; mặc dù được xác định trên quan hệ huyết thống nhưng giữ họ có khoảng cách xa hơn hàng thừa kế thứ nhất và thứ hai; trên thực tế có thể họ không thân thiết, gần gũi nhau, nhưng xét về mặt pháp lý thì họ vẫn là những người có quan hệ gắn bó hơn người ngoài, vì vậy mà pháp luật quy định những người này là người thừa kế theo pháp luật của nhau là hoàn toàn phù hợp.
Nguyên tắc thừa kế theo pháp luật: Tại khoản 2, 3 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định "Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản". Thừa kế theo pháp luật được xác định theo thứ tự ưu tiên, trong đó những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng di sản khi hàng thừa kế trước không có ai, không có quyền hưởng di sản, bị truất hoặc từ chối nhận di sản; thực chất các hàng thừa kế thứ hai, thứ ba nhằm dự trù cho trường hợp những người hàng thừa kế thứ nhất không được hưởng di sản, nếu xét trên thực tế rất ít trường hợp người thừa kế theo pháp luật là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ hai, thứ ba. Đặc biệt đối với hàng thừa kế thứ ba, việc xác định người thừa kế rất phức tạp bởi nó thuộc nhiều thế thế hệ, lại bao gồm cả bên nội, bên ngoại, khó để tránh khỏi trường hợp bỏ sót. Bởi chia di sản thừa kế theo pháp luật không dựa trên ý chí của người để lại tài sản, nên để tránh xảy ra tranh chấp về phần di sản hưởng thừa kế, thì pháp luật quy định những người trong cùng hàng thừa kế được chia di sản như nhau, từ đó có thể cân bằng quyền lợi của những người thừa kế.
Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338