Các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là các quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố chủ thể là người nước ngoài, đối tượng của quan hệ là tài sản ở nước ngoài hoặc sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ xảy ra tại nước ngoài; do có yếu tố nước ngoài mà quan hệ dân sự thuộc loại này có khả năng chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, khiến cho việc giải quyết các vấn đề pháp lý trong quan hệ giữa các bên trở nên phức tạp, nhất là khi các hệ thống pháp luật có cách tiếp cận và quy định cụ thể thường rất khác nhau. Vì thế pháp luật các nước hầu hết đều có các quy định đặc biệt đưa ra các nguyên tắc để lựa chọn và áp dụng một hệ thống pháp luật với một quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài cụ thể (quy phạm xung đột).
Xác định pháp luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp đối với các quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài là một trong những yếu tố quan trọng giúp giải quyết tranh chấp bởi các quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài sẽ có thể xảy ra những xung đột pháp luật gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp; nên việc xác định pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài sẽ được xác định dựa trên một số quy định, nguyên tắc nhất định, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận trước về luật áp dụng.
Tại Điều 668 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định phạm vi pháp luật được dẫn chiếu đến. Theo đó, pháp luật được dẫn chiếu đến bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng và quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 668. Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật Việt Nam thì quy định của pháp luật Việt Nam về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng. Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba thì quy định của pháp luật nước thứ ba về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng. Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 Bộ luật Dân sự thì pháp luật mà các bên lựa chọn là quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, không bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 668 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì pháp luật được dẫn chiếu đến bao gồm cả quy định về xác định pháp luật áp dụng và quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự. Nội dung này do quy phạm xung đột thông thường (là quy phạm trong pháp luật quốc gia Việt Nam) dẫn chiếu đến. Khi pháp luật Việt Nam dẫn chiếu đến toàn bộ hệ thống pháp luật có liên quan của quốc gia đó, bao gồm quy định xác định pháp luật áp dụng là phần luật xung đột, và quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là phần luật thực định. Trong trường hợp pháp luật nước ngoài được áp dụng dựa trên quyền thỏa thuận lựa chọn của các bên thì pháp luật được dẫn chiếu đến chỉ có phần luật thực chất, tức phần quy định về quyền, nghĩa vụ các bên; bởi khi có thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng, các bên mong muốn được giải quyết theo quy định trực tiếp của quốc gia đó, nếu áp dụng đối với cả phần luật xung đột sẽ dẫn đến tình trạng như dẫn chiếu ngược, dẫn chiếu đến pháp luật một nước thứ ba, khiến quá trình điều chỉnh quan hệ phức tạp và không theo mong muốn ban đầu của các bên trong quan hệ.
Dẫn chiếu ngược về pháp luật Việt Nam, quy định về quy phạm xung đột của các nước dù có điểm tương đồng, tuy nhiên không thể tránh khỏi có sự nhau, chính sự khác nhau trong cách thức lựa chọn hệ thuộc luật áp dụng mà dẫn đến hiện tượng dẫn chiếu ngược; dẫn chiếu ngược là hiện tượng pháp luật nước được dẫn chiếu, dẫn chiếu trở lại pháp luật nước dẫn chiếu; nói dễ hiểu hơn là khi pháp luật Việt Nam dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật một quốc gia nào đó, thì trong quy phạm xung đột của quốc gia đó lại dẫn chiếu ngược đến việc áp dụng pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp dẫn chiếu ngược thì chỉ dẫn chiếu đến pháp luật thực định của quốc gia được dẫn chiếu ngược. Vì vậy, việc dẫn chiếu ngược về pháp luật Việt Nam thì áp dụng quy định về quyền, nghĩa vụ của pháp luật Việt Nam đối với các bên trong quan hệ. Nếu tiếp tục dẫn chiếu đến quy phạm xung đột thì sẽ không thể giải quyết vụ việc được, vì pháp luật các nước sẽ dẫn chiếu qua lại lẫn nhau.
Dẫn chiếu đến nước thứ ba là việc pháp luật của nước được dẫn chiếu tiếp tục dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba; pháp luật Việt Nam dẫn chiếu đến áp dụng pháp luật của Mỹ, pháp luật của Mỹ lại dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật của Pháp; căn cứ phát sinh trường hợp này cũng giống với dẫn chiếu ngược. Theo như quy định tại khoản 1 điều Điều 668 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì pháp luật dẫn chiếu đến bao gồm cả pháp luật xung đột và pháp luật thực định của quốc gia đó. Nếu dẫn chiếu đến áp dụng pháp luật thực định thì quan hệ dân sự sẽ được điều chỉnh theo quy định về quyền, nghĩa vụ của quốc gia có luật được dẫn chiếu đến; nếu dẫn chiếu đến áp dụng pháp luật xung đột thì không tránh khỏi trường hợp pháp luật quốc gia đó dẫn chiếu áp dụng quy định của một quốc gia thứ ba, vì quy định pháp luật của các nước là không giống nhau. Trong trường hợp này nhằm tránh việc dẫn chiếu đến pháp luật của quá nhiều quốc gia khác (trong trường hợp pháp luật xung đột của nước thứ ba dẫn chiếu áp dụng pháp luật của nước thứ tư, thứ năm,…) thì pháp luật Việt Nam quy định, khi dẫn chiếu đến pháp luật nước thứ ba thì chỉ áp dụng quy định quy định luật thực chất của quốc gia này.
Dẫn chiếu trong trường hợp các bên thỏa thuận chọn luật áp dụng, trong trường hợp pháp luật được dẫn chiếu do thỏa thuận của các bên thì chỉ luật thực định của nước đó được áp dụng; quy định về thỏa thuận lựa chọn áp dụng luật của các bên nhằm tạo điều kiện để các bên được chọn pháp luật của quốc gia mà họ tin là có lợi cho mình; do lựa chọn pháp luật áp dụng là mong muốn, nguyện vọng của các chủ thể, vậy nên nếu tiếp tục dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba hay dẫn chiếu ngược sẽ không phù hợp với ý chí ban đầu của các bên, làm mất tính tự do thỏa thuận; nên pháp luật cho phép pháp luật của quốc gia mà các bên thỏa thuận lựa chọn, chỉ áp dụng phần quy định trực tiếp về quyền, nghĩa vụ của họ. (Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ, (2017), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", Nxb. công an nhân dân).
Điều 668. Phạm vi pháp luật được dẫn chiếu đến
1. Pháp luật được dẫn chiếu đến bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng và quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
2. Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật Việt Nam thì quy định của pháp luật Việt Nam về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
3. Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba thì quy định của pháp luật nước thứ ba về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
4. Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này thì pháp luật mà các bên lựa chọn là quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, không bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338