Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Cảm nhận và suy nghĩ!
Nhân kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11), với tư cách là một người đứng trong hàng ngũ Luật sư Việt Nam; bản thân lại có những trải nghiệm, những kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn pháp luật tôi rất vinh dự và tự hào được viết nên những cảm nhận, những suy nghĩ trăn trở của bản thân tổng kết, nhìn lại những chặng đường phát triển của Pháp luật Việt Nam, những thời cơ hội nhập trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, tôn vinh những giá trị tốt đẹp của pháp luật Việt Nam, tôn vinh những cá nhân và tổ chức đang ngày đêm cống hiến hết mình cho công cuộc xây dựng và hoàn thiện pháp Luật Việt Nam, trong đó phải kể đến đội ngũ luật sư và các tổ chức hành nghề luật theo quy định của Luật Luật sư.
Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một ngày lễ kỷ niệm được tổ chức vào ngày 09 tháng 11 hàng năm, bắt đầu từ năm 2013. Ngày Pháp luật Việt Nam được quy định cụ thể trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Việt Nam (2012). Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành riêng một Nghị định quy định về vấn đề này, tại Nghị định 28/2013/NĐ-CP Chính phủ quy định Ngày pháp luật có thể được tổ chức dưới các hình thức như: Mít tinh; Hội thảo; Tọa đàm; Thi tìm hiểu pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động, triển lãm và các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Đến nay, Ngày Pháp luật đã được bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương và đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm công dân, nâng cao ý thức pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật trong xã hội. Đây là ngày để khẳng định vị trí thượng tôn của pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao ý thức chấp hành và bảo vệ pháp luật tại Việt Nam và thúc đẩy tiến trình xây dựng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Ngày 09/11 được lấy là Ngày Pháp luật Việt Nam bởi đây là ngày Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội Việt Nam được thông qua (ngày 09/11/1946, ý nghĩa của ngày “khai sinh” ra bản Hiến pháp đầu tiên rất được trân trọng. Đó cũng chính là lý do Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (2012) quy định ngày 09/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (2012) cũng nêu rõ Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Ngày Pháp luật còn là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc, ngày 9-11 được coi là ngày nhắc nhở giáo dục toàn dân; giáo dục cán bộ, công chức, viên chức, những người làm công tác pháp luật phải luôn gương mẫu, tự giác tuân thủ, chấp hành, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.
Chặng đường phát triển của Pháp luật Việt Nam
Quốc hội Khóa I ngay sau khi ra đời đã tập trung vào nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc. Trong thời gian này, mặc dù yêu cầu lập pháp rất lớn nhưng Quốc hội chỉ ban hành được 11 đạo luật. Tập trung cho lĩnh vực thiết yếu là tổ chức bộ máy nhà nước như bầu cử đại biểu Quốc hội; tổ chức chính quyền địa phương; nghĩa vụ quân sự; hôn nhân và gia đình; về cải cách ruộng đất; chế độ báo chí, lập hội, công đoàn; bảo đảm quyền tự do thân thể, quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín nhân dân; đồng thời, Quốc hội ban hành 53 nghị quyết tập trung về lĩnh vực kinh tế, tổ chức chính quyền, ngoại giao, triển khai thi hành luật; phê chuẩn các sắc luật của Chính phủ. Với số lượng có hạn, các luật, nghị quyết ban hành trong khoảng thời gian 13 năm hoạt động lập pháp của Quốc hội Khóa I nhằm phục vụ xây dựng và củng cố tổ chức bộ máy nhà nước, vận hành nền kinh tế thuần nông trong thời chiến và một số vấn đề về an ninh quốc phòng, ngoại giao, tôn giáo, dân tộc, quyền công dân…
Từ sau Hiến pháp năm 1959 đến 1975 là thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước, Quốc hội II, III và IV đi vào hoạt động phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành đấu tranh giải phóng miền Nam. Đất nước trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, cả nước tập trung cho tiền tuyến Miền Nam, nên Quốc hội 03 khóa chỉ ban hành được 07 đạo luật, tập trung vào hoàn thiện bộ máy nhà nước mà trước kia chưa ban hành luật để điều chỉnh như: tổ chức Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng ban hành 56 nghị quyết tập trung cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, ngân sách nhà nước, nghị quyết về báo cáo của Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 19 pháp lệnh đầu tiên về việc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp (ban hành ngày 18.01.1961). Có thể thấy hoạt động lập pháp trong giai đoạn này phản ánh nhiệm vụ lịch sử hàng đầu là đấu tranh giải phóng dân tộc, tiếp đó là thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Các đạo luật tập trung xác định nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước thời chiến và luật về nghĩa vụ quân sự và các quyền cơ bản của công dân, những vấn đề kinh tế… Các lĩnh vực đời sống xã hội chưa thực sự phát triển theo chiều sâu trong điều kiện chiến tranh; các quan hệ xã hội còn nhiều đơn giản, bó hẹp trong nền kinh tế, kế hoạch hóa với chỉ một hình thức sở hữu tư liệu sản xuất của Nhà nước; ưu tiên tập trung nguồn lực cho đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Đây là giai đoạn đặc thù mà hoạt động lập pháp chưa đặt ra đòi hỏi bức bách, thường xuyên; nhiều nhu cầu nhà nước ban hành văn dưới luật để điều chỉnh như nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư và trong một chừng mực nhất định là công văn, thông báo... Trong điều kiện này chưa thể hình thành chương trình xây dựng pháp luật và quy trình làm luật một cách toàn diện và đầy đủ.
Năm 1976, Quốc hội Khóa VI (1976-1981), đất nước thống nhất hai miền Nam - Bắc, cơ hội phát triển mới mở ra, nhưng thách thức mới trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước cũng lập tức ập đến, đất nước tập trung mọi nguồn lực trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc và giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng; vượt qua bao vây cấm vận, tìm con đường cởi trói phát triển kinh tế. Những giới hạn nhận thức phát triển trong bối cảnh mới, đặc biệt là biến động của tình hình thế giới, khu vực và sự chuyển động bên trong của hệ thống nhà nước xã hội chủ nghĩa đã tác động mạnh mẽ đến con đường xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Quốc hội Khóa VI thông qua Hiến pháp 1980, ban hành được 01 luật là Luật Bầu cử Quốc hội và 32 nghị quyết; Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành 06 pháp lệnh, hoạt động lập pháp thời điểm này còn mờ nhạt; hoạt động lập quy vẫn chiếm vị trí quan trọng.
Sự bùng nổ của hoạt động lập pháp thực sự bắt đầu từ Quốc hội Khóa VIII khi hoạt động lập pháp vượt lên thách thức mới, tạo khung khổ pháp lý đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; phá thế bao vây cấm vận khơi thông các nguồn lực của đất nước, từ sau Hiến pháp 1980 đến Hiến pháp 1992, Quốc hội đã ban hành được 40 đạo luật, Hội đồng Nhà nước ban hành được 59 pháp lệnh, đây là thời kỳ hệ thống pháp luật có những chuyển động dích dắc, mở đầu là những đạo luật củng cố tổ chức bộ máy nhà nước theo mô hình tổ chức của các nước xã hộ chủ nghĩa, các đạo luật về kinh tế, xã hội theo cơ chế chỉ huy dần chuyển sang mô hình mới, với tư tưởng đột phá về phát triển kinh tế thị trường. Những đạo luật phản ánh tư duy giáo điều, duy ý chí, bó buộc sớm lạc hậu trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn cách mạng và tình hình thế giới lúc bấy giờ. Vào cuối giai đoạn này, Quốc hội đã ban hành các đạo luật chứa đựng tư duy mới, cơ chế quản lý mới đột phá so với các quy định của Hiến pháp 1980 như: Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân ban hành 21.12.1990... Đây chính là sự phản ánh yêu cầu giai đoạn đổi mới và việc xây dựng hành lang pháp lý đầu tiên cho sự phục hồi nền kinh tế, đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, nhìn nhận về nền pháp luật Việt Nam lúc này thì nhu cầu về hệ thống pháp luật đầy đủ điều chỉnh mọi mặt của đời sống xã hội đặt ra gay gắt trong khi cơ cấu tổ chức hoạt động của Quốc hội chưa tương xứng với vị trí, vai trò.
Trong vòng 30 năm, Quốc hội đã ban hành được 460 đạo luật, 516 nghị quyết, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành được 148 pháp lệnh bao quát các lĩnh vực đời sống xã hội như: tổ chức bộ máy, quyền con người, quyền công dân, kinh tế, doanh nghiệp, an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, tư pháp… phục vụ sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đưa đất nước hội nhập, cạnh tranh phát triển trong thời kỳ mới. Đặc biệt Quốc hội Khóa XIII đã đạt kỷ lục về số lượng luật được ban hành với Hiến pháp 2013 và 108 đạo luật. Quy trình xây dựng pháp luật cũng được sửa đổi, bổ sung làm rõ thời gian và trách nhiệm của các cơ quan tham gia xây dựng luật, kỹ thuật lập pháp được nâng cao bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan trong tiến trình xây dựng luật; hình thành quy trình “sản xuất luật” trong dây chuyền mà “công xưởng” là Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và hạt nhân là đại biểu Quốc hội; góp phần đưa công tác lập pháp dần vào nề nếp, hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Thời cơ hội nhập bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Cùng với phát triển kinh tế của đất nước, lĩnh vực “lập pháp”, “hành pháp” và “tư pháp” luôn được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, điều này được thể hiện qua hàng loạt chủ trương, định hướng chỉ đạo của Đảng nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật Việt Nam tiến bộ, mang đậm màu sắc xã hội chủ nghĩa, phát triển và hội nhập quốc tế. Gắn với mỗi thời kỳ lịch sử Đảng và Nhà nước ta luôn để lại những dấu ấn sâu sắc đối với hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp, luôn kịp thời đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn đối với công tác xây dựng và phố biến pháp luật.
Hiện nay Quốc hội cùng các bộ ngành liên quan đang tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật, đi sâu sửa đổi và ban hành các đạo luật trên các lĩnh vực cụ thể điều chỉnh tổ chức bộ máy Nhà nước từ trung ương tới địa phương, các đạo luật chuyên nghành phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu mới trong phát triển đất nước và quan hệ quốc tế. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khoảng cách giữa không gian vật lý và không gian kỹ thuật số đang dần được thu hẹp, xuất hiện nhiều thay đổi to lớn và kèm với đó là thể chế cùng khung pháp luật cần được thay đổi để bắt kịp với xu hướng mới, sử dụng công nghệ số trong ban hành, quản lý và phổ biến pháp luật, thậm chí sửa luật để quy định việc sử dụng trí tuệ nhận tạo AI phục vụ cho quá trình tư vấn pháp luật, quá trình xét xử (quá trình tiếp nhận đơn, thụ lý vụ án, ra các phán quyết)…
Vì vậy, các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, những tổ chức hành nghề luật, các luật sư tư vấn pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý phải luôn cập nhật, đổi mới tư duy và thích ứng với không chỉ với vấn đề pháp lý trong nước mà còn cả vấn đề pháp lý toàn cầu, kết nối số và sử dụng công nghệ trong hoạt động nghề nghiệp và cung cấp dịch vụ tới người dân.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam.
2. 50 năm Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1946 - 1996).
3. 60 năm Quốc hội Việt Nam (1946- 2006).
4. 70 năm Quốc hội Việt Nam (1946 - 2016).
5. Cơ sở dữ liệu hồ sơ, tài liệu lưu trữ của Quốc hội.
6. Tuyển tập những bài viết, bài nói của Hồ Chí Minh về Nhà nước và Pháp luật (Nxb Pháp lý).