Tại Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về pháp nhân trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Theo đó, quốc tịch của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân thành lập. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân; tên gọi của pháp nhân; đại diện theo pháp luật của pháp nhân; việc tổ chức, tổ chức lại, giải thể pháp nhân; quan hệ giữa pháp nhân với thành viên của pháp nhân; trách nhiệm của pháp nhân và thành viên của pháp nhân đối với các nghĩa vụ của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước mà pháp nhân có quốc tịch, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 676. Trường hợp pháp nhân nước ngoài xác lập, thực hiện giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam. Pháp nhân trong quan hệ tư pháp quốc tế bao gồm cả pháp nhân Việt Nam và pháp nhân nước ngoài, vì vậy trước hết phải xác định quốc tịch của pháp nhân.
Quốc tịch của pháp nhân, được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân được thành lập. Như vậy, có thể thấy phá nhân được thành lập ở đâu thì mang quốc tịch ở đó. Cụ thể tại Điều 80 Bộ luật Dân sự năm 2015 (của Việt Nam) quy định về quốc tịch của pháp nhân như sau: "Pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam là pháp nhân Việt Nam”; việc xác định quốc tịch của pháp nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định pháp luật áp dụng trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; bởi quy định pháp luật của các nước là không giống nhau, nên phải xác định rõ ràng quốc tịch của pháp nhân. Sẽ có hai trường hợp xảy ra như sau:
(1) Pháp luật được thành lập tại Việt Nam thực hiện theo pháp luật của Việt Nam và pháp nhân được thành lập ở nước ngoài nhưng theo pháp luật Việt Nam thì sẽ có quốc tịch Việt Nam (nếu quốc gia nước ngoài đó không cấm pháp nhân thành lập ở nước mình nhưng theo pháp luật của nước khác). Khi mang quốc tịch Việt Nam, pháp nhân sẽ có quyền và thực hiện nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam quy định;
(2) Pháp nhân thành lập ở nước ngoài theo pháp luật của nước ngoài thì không mang quốc tịch Việt Nam mà mang quốc tịch theo pháp luật của nước mà pháp nhân đó thành lập. Bởi pháp nhân tbeo Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định xác định quốc tịch của pháp nhân theo pháp luật của nước mà pháp nhân đó thành lập. Việc xác định quốc tịch của pháp nhân đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các vấn đề liên quan đến pháp nhân.
Năng lực của pháp nhân là căn cứ để xác định quyền, nghĩa vụ của pháp nhân khi tham gia vào quan hệ tư pháp quốc tế; nên vấn đề về năng lực của pháp nhân cần thiết phải được làm rõ. Thông thường năng lực chủ thể bao gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Cụ thể: "năng lực pháp luật dân sự" là khả năng mà chủ thể có quyền, nghĩa vụ nhất định; "năng lực hành vi" là khả năng bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự đó. Nhưng không giống với cá nhân, pháp nhân là một tổ chức không có quá trình phát triển hoàn thiện về mặt ý thức và thể chất, nên năng lực hành vi xuất hiện đồng thời với năng lực pháp luật và được xác định khi pháp nhân được thành lập; pháp nhân thực hiện năng lực hành vi của thông qua người đại diện. Nên pháp luật chỉ quy định về năng lực pháp luật của pháp nhân mà không quy định về năng lực hành vi. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc quy định pháp nhân không có năng lực hành vi; năng lực hành vi của pháp nhân được thực hiện gián tiếp thông qua hành vi cụ thể của người đại diện.
Hiện nay mỗi quốc gia có nền kinh tế riêng, sự phát triển không đều nhau, do đó quy định của pháp luật về pháp nhân đương nhiên có sự khác biệt; dựa trên nguyên tắc tôn trọng luật quốc gia, nên các vấn đề về: Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân; tên gọi của pháp nhân; đại diện theo pháp luật của pháp nhân; việc tổ chức, tổ chức lại, giải thể pháp nhân; quan hệ giữa pháp nhân với thành viên của pháp nhân; trách nhiệm của pháp nhân và thành viên của pháp nhân đối với các nghĩa vụ của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước mà pháp nhân có quốc tịch. Có thể thấy, pháp nhân mang quốc tịch nước nào thì các vấn đề trên được xác định theo quy định của luật nước đó.
Năng lực của pháp nhân nước ngoài khi xác lập, thực hiện giao dịch tại Việt Nam, vì giao dịch được xác lập tại Việt Nam, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội - an ninh - chính trị của Việt Nam, nên khi pháp nhân nước ngoài xác lập, thực hiện giao dịch tại Việt Nam thì sẽ phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Nên pháp nhân nước ngoài chỉ được thực hiện quyền, nghĩa vụ mà pháp luật Việt Nam cho phép thực hiện.
Điều 676. Pháp nhân
1. Quốc tịch của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân thành lập.
2. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân; tên gọi của pháp nhân; đại diện theo pháp luật của pháp nhân; việc tổ chức, tổ chức lại, giải thể pháp nhân; quan hệ giữa pháp nhân với thành viên của pháp nhân; trách nhiệm của pháp nhân và thành viên của pháp nhân đối với các nghĩa vụ của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước mà pháp nhân có quốc tịch, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Trường hợp pháp nhân nước ngoài xác lập, thực hiện giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338