Language:

Quan hệ cha mẹ con

Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con
Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, về chứng cứ chứng minh cha mẹ con theo điều 11 Thông tư số 15/2015/TT-BTP đã khá cụ thể, nhằm giúp cho các cơ quan đăng ký hộ tịch áp dụng thống nhất, đảm bảo quyền lợi của trẻ em cũng như cha mẹ. Tuy nhiên đối với những trường hợp không có điều kiện để có được những chứng cứ theo pháp luật quy định để chứng minh cha, mẹ, con thì để đảm bảo quyền lợi của các bên, nhất là quyền khai sinh của trẻ em, đề nghị địa phương vận dụng quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 15/2015/TT-BTP cho phép cha mẹ của trẻ em nộp văn bản cam đoan về việc trẻ em đó là con chung của hai người, đồng thời phải có người thân thích của cha mẹ đứng ra làm chứng. Công chức tư pháp - hộ tịch phải trực tiếp kiểm tra, xác minh bảo đảm việc nhận cha, mẹ, con là đúng thực tế, tránh trường hợp lợi dụng việc nhận cha, mẹ, con để trục lợi.
Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình (Điều 39)
Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, tại Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình. Theo đó, cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình. Cá nhân thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật hôn nhân và gia đình và luật khác có liên quan.