Vợ chồng kết hôn, yêu thương nhau trên cơ sở tình yêu tự nguyện, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, trên thực tế cuộc sống có rất nhiều lý do để vợ chồng ly hôn, lựa chọn cho mình một con đường riêng. Ly hôn có sự tác động không nhỏ đến hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng đến lợi ích của vợ chồng và con cái. Vì vậy khi giải quyết ly hôn, một trong những vấn đề đầu tiên Tòa án phải giải quyết đó là quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng.
Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình là quyền của cá nhân theo quy định tại Điều 39 Bộ luật dân sự, theo đó, cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình.
Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình.
Cá nhân thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình và luật khác có liên quan.
Điều Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nhiều quyền nhân thân khác nhau trong hôn nhân và trong đời sống gia đình. Đối với quan hệ hôn nhân, cá nhân có quyền kết hôn và quyền ly hôn. Trong đời sống gia đình, cá nhân có quyền bình đẳng của vợ chồng; quyền xác định cha, mẹ, con; quyền nuôi con nuôi… Thay vì quy định chi tiết từng quyền nhân thân, Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ xác định cụ thể tên gọi của các quyền nhân thân, còn nội dung quyền cũng như việc thực hiện quyền được xác định theo Luật hôn nhân và gia đình và các luật khác có liên quan.
(1) Quyền kết hôn là quyền nhân thân của cá nhân được pháp luật thừa nhận, là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Theo quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; Không bị mất năng lực hành vi dân sự; Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật hôn nhân và gia đình.
Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Nếu việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý. Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành, nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Trước đây theo khoản 1 Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Quy định này đã dẫn đến những phản ứng khá gay gắt của nhóm người đồng tính và trong quá trình thực thi có nhiều quan điểm khác nhau đối với trường hợp chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính. Hiện nay, khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, mà không quy định như khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.
(2) Quyền ly hôn: Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Quyền yêu cầu ly hôn là quyền nhân thân của vợ, chồng, chỉ với tư cách là vợ, chồng mới có quyền yêu cầu ly hôn.
Điểm mới của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 là quy định bổ sung thêm cha, mẹ, người thân thích khác (cũng) có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ (khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014). Quy định này xuất phát từ thực tiễn của đời sống xã hội và với mục đích nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của vợ, chồng là người mất năng lực hành vi dân sự và là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra.
Pháp luật thừa nhận và bảo hộ quyền ly hôn của vợ và chồng. Tuy nhiên, quyền này cũng bị hạn chế trong một số trường hợp cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi cho người vợ và người con sơ sinh: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia Đình năm 2014). Quy định này xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà mẹ và trẻ em, phụ nữ có thai và thai nhi. Điều hạn chế ly hôn này chỉ áp dụng đối với người chồng mà không áp dụng đối với người vợ. Theo nguyên tắc chung, dù người vợ mang thai hoặc đứa trẻ sinh ra chưa đủ 12 tháng tuổi là của bất kỳ người đàn ông nào thì người chồng vẫn bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, trong trường hợp bị Tòa án xử bác đơn yêu cầu ly hôn thì người vợ, chồng bị Tòa án xử bác đơn yêu cầu ly hôn đó phải đợi sau hạn một năm mới được quyền yêu cầu ly hôn.
(3) Quyền bình đẳng của vợ chồng được ghi nhận cụ thể tại Điều 17 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật Hôn nhân và Gia đình và các luật khác có liên quan”.
Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng được ghi nhận đầu tiên trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta từ Sắc lệnh số 97-SL ngày 22/5/1950 của Chủ tịch nước về sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật (Điều 5); đồng thời là một trong các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình.
Nội dung của nguyên tắc này bảo đảm quyền bình đẳng của vợ chồng trong các quan hệ nhân thân và tài sản (từ Điều 17 đến Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014). Các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của vợ chồng luôn gắn liền và được thực hiện tương ứng giữa vợ chồng trong suốt thời kỳ hôn nhân, không thể chuyển giao cho người khác và không thể thực hiện bằng nghĩa vụ khác.
Theo đó, vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; vợ chôn I có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác (Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).
Vợ chồng có quyền lựa chọn nơi cư trú theo thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính (Điều 20). Vợ chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau (Điều 21); có nghĩa vụ tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau (Điều 22); tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội (Điều 23). Vợ chồng có quyền đại diện cho nhau trong các trường hợp theo các điều 24, 25, 26 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Trong quan hệ về tài sản, Luật quy định: vợ chồng có quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau, kể cả trong trường hợp vợ chồng ly hôn thì vợ, chồng vẫn có quyền yêu cầu cấp dưỡng (Điều 115 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014). Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau khi một bên vợ, chồng chết hoặc có quyết định của Tòa án tuyên bố vợ, chồng đã chết có hiệu lực pháp luật.
Đặc biệt, về chế độ tài sản của vợ chồng, do tính chất cộng đồng của quan hệ hôn nhân được xác lập; sau khi kết hôn, vợ chồng cùng chung sống, cùng đóng góp công sức tạo dựng khối tài sản chung nhằm đáp ứng, bảo đảm đời sống chung của gia đình, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các con.
Luật hôn nhân và gia đình đã dự liệu quy chế pháp lý đặc biệt cho các cặp vợ chồng khi quy định về chế độ tài sản của vợ chồng. Chế độ tài sản của vợ chồng (theo nghĩa hẹp) là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh về quan hệ sở hữu tài sản của vợ chồng, bao gồm các quy định về sự thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng (chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận); căn cứ, nguồn gốc xác lập tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với các loại tài sản đó; các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng (chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định).
Một trong những quy định mới của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 là đã ghi nhận về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận (pháp luật các nước thường gọi là hôn ước). Theo đó, có hai loại chế độ tài sản của vợ chồng được áp dụng: Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận (từ Điều 47 đến Điều 50) và chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định (từ Điều 33 đến Điều 46).
Tuy nhiên, dù vợ chồng lựa chọn loại chế độ tài sản nào thì cũng đều phải tuân thủ các nguyên tắc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng được quy định từ Điều 29 đến Điều 32 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Những nguyên tắc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng luôn nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của vợ chồng, của các con và những người có quyền, lợi ích liên quan (người thứ ba) đến chế độ tài sản của vợ chồng.
Bảo đảm quyền tự định đoạt và nguyên tắc bình đẳng giữa vợ chồng, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận quy định, cho phép trước khi kết hôn, “vợ chồng” (hai bên kết hôn) có quyền lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận bằng văn bản; văn bản thỏa thuận này phải được công chứng hoặc chứng thực.
Thực chất của văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng là một giao dịch dân sự. Luật quy định văn bản thỏa thuận này phải tuân thủ quy định về các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuân có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Nội dung văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bao gồm: Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan: Tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản; những nội dung khác có liên quan (Điều 48).
Trong thời kỳ hôn nhân, nếu có nội dung thỏa thuận nào ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của vợ chồng, các con thì vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung nội dung của văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng (Điều 49).
Trường hợp văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng (i) không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch theo quy định của BLDS và các luật khác có liên quan; (ii) vi phạm một trong các quy định nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng; (iii) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình thì bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi có yêu cầu (Điều 50).
Tại Nghị định số 126/2016/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận (Điều 15, 16, 17, 18). Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tác giả thấy rằng còn có những quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn giao lưu dân sự.
Pháp luật hiện hành đã quy định quá “mở” về nội dung thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng; buộc vợ chồng có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin về việc vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan.
Trường hợp vợ chồng thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của văn bản thỏa thuận thì cũng phải có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan. Vợ chồng cũng có thể thỏa thuận thay đổi chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận bằng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định.
Đối với chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định, trên cơ sở kế thừa và phát triển Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 và Luật hôn nhân và gia đình năm Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định là chế độ cộng đồng tạo sản.
Luật quy định cụ thể về căn cứ, nguồn gốc xác lập tài sản chung (Điều 33), bao gồm những tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch từ tài sản riêng. Đặc biệt, Luật đã quy định với quan điểm thống nhất: Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng (khoản 1 Điều 33). Đây là quy định mới của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Đối với tài sản chung, vợ chồng luôn có quyền bình đẳng khi chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung. Luật quy định ba trường hợp và nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng (khi vợ, chồng chết hoặc có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên bố vợ, chồng là đã chết; chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn).
Các quy định này đã lấp được “lỗ hổng” pháp luật của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã “quên” không quy định về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp vợ, chồng chết và chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
Đối với tài sản riêng, Luật Hôn nhân và Gia đình đã quy định cụ thể về căn cứ, nguồn gốc xác lập tài sản riêng của vợ, chồng; quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với tài sản riêng; quyền nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng (Điều 43, 44, 45, 46).
Theo đó, vợ, chồng là chủ sở hữu đối với tài sản có trước khi kết hôn; những tài sản mà vợ, chồng được tặng cho riêng, được thừa kế riêng trong thời kì hôn nhân, những tài sản được chia từ tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và những tài sản mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản riêng. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng.
Tài sản riêng được thực hiện, bảo đảm nghĩa vụ riêng của vợ, chồng (nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật; nghĩa vụ của vợ, chồng có trước khi kết hôn; nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ, chồng xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình…). Trường hợp có tranh chấp, người có tài sản riêng có nghĩa vụ phải chứng minh, nếu không chứng minh được thì coi là tài sản chung của vợ chồng.
(4) Quyền xác định cha, mẹ, con là quyền nhân thân được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Cụ thể, Điều 90 quy định về quyền nhận cha, mẹ: Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết; Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha; Điều 91 quy định về quyền nhận con: Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết; Trong trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nguyên tác suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ, con; đặc biệt, Luật đã ghi nhận vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (từ Điều 94 đến Điều 100), đây là quy định mới của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
(5) Quyền được nhận làm con nuôi và quyền nuôi con nuôi: Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi (khoản 1 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi năm 2010). Việc thực hiện quyền này trên thực tế phải tuân theo các điều kiện, trình tự, thủ tục do Luật Nuôi con nuôi quy định. Luật cũng quy định các nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi, thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế, hệ quả của việc nuôi con nuôi và những căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi.
Nghiên cứu, trao đổi về Điều luật này, có quan điểm cho rằng: Tên tiêu đề và nội dung Điều 39 Bộ luâtnăm 2015 là tương đối phù hợp với quan điểm lập pháp hiện nay (như trên đã phân tích). Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.
Luật đã quy định cụ thể các quyền nhân thân giữa các thành viên gia đình, bao gồm các quyền nhân thân trong mối quan hệ giữa vợ và chồng (từ Điều 17 đến Điều 27); giữa cha mẹ và con (từ Điều 68 đến Điều 87; giữa anh, chị, em với nhau (Điều 105); giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu (Điều 104); quyền và nghĩa vụ giữa cô, dì, cậu, chú, bác ruột và cháu ruột (Điều 106); quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên khác trong gia đình (Điều 103).
Quy định tại Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bảo đảm bao quát được các quyền nhân thân mà chủ thể thực hiện trong quan hệ hôn nhân và gia đình, trong Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan (Luật bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em…). Nội dung quy định tại Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015 được coi là “nguyên tắc chung” để thực hiện các quyền nhân thân trong quan hệ hôn nhân và gia đình.”
Điều 39. Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình
1. Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình.
Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình.
2. Cá nhân thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật này, Luật hôn nhân và gia đình và luật khác có liên quan.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338