Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật Dân sự để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Người giám hộ là người đại diện theo pháp luật của người được giám hộ trong mối quan hệ với Nhà nước và trong hầu hết các giao dịch, trừ các giao dịch đơn giản nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người được giám hộ.
Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.
Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. Tại Điều 59 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc quản lý tài sản của người được giám hộ. Việc quản lý tài sản được quy định 04 nội dung chính sau:
(1) Người giám hộ có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình. Quy định này nhấn mạnh trách nhiệm của người giám hộ đối với tài sản của người được giám hộ. Theo đó, quy định yêu cầu sự tận tâm và thực hiện mọi hành vi trong khả năng có thể để thực hiện việc quản lý tài sản, cũng chính là để thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
(2) Người giám hộ khi thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản có giá trị lớn bao gồm: bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác phải có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. Các giao dịch liên quan đến tài sản có giá trị lớn là nguồn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người được giám hộ. Do đó, các giao dịch này chỉ được xác định là đủ điều kiện khi có đặt dưới sự giám sát, có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
(3) Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Việc quản lý tài sản của người giám hộ là để thực hiện việc chăm sóc, giáo dục, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người giám hộ. Tài sản của người được giám hộ tuy thuộc quản lý và trong những trường hợp được phép, thuộc quyền định đoạt của người giám hộ.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa người giám hộ là chủ sở hữu đối với tài sản này. Hơn nữa, người được giám hộ cũng không có đủ năng lực hành vi dân sự để quyết định việc tặng cho tài sản cho người khác. Do dó, việc tặng cho tài sản của người được giám hộ cho người thứ ba, cho dù có được sự đồng ý của người được giám hộ thì cũng là hành vi không được phép của người giám hộ trong quan hệ giám hộ.
(4) Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu. Trong quan hệ giám hộ, người giám hộ được quản lý tài sản của người được giám hộ, được quản lý, đưa tài sản của người giám hộ tham gia giao dịch dân sự và cũng là người gần gũi, chăm sóc người được giám hộ.
Do đó, pháp luật quy định các giao dịch giữa họ có liên quan đến tài sản là vô hiệu để phòng trừ việc người giám hộ lợi dụng việc giám hộ, lợi dụng khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của người được giám hộ là không đầy đủ để trục lợi. Quy định này cũng hướng tới việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người được giám hộ.
Ngoại lệ của trường hợp này là giao dịch dân sự được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. Ngoại lệ này loại bỏ được yếu tố trục lợi của người giám hộ và hướng tới mục đích của giám hộ. Bởi vì có nhiều trường hợp, giao dịch dân sự giữa các chủ thể trong quan hệ giám hộ được thực hiện sẽ đảm bảo lợi ích cho người được giám hộ.
Ví dụ như người được giám hộ cần chữa bệnh và phải bán nhà là tài sản được thừa kế từ bố mẹ nhưng không có người mua hoặc người mua trả giá quá rẻ thì người giám hộ có thể mua căn nhà trên để đảm bảo người được giám hộ có tiền chữa bệnh. Giao dịch này phải đặt dưới sự giám sát và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ để đánh giá được tính vì lợi ích của người được giám hộ của giao dịch dân sự.
Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự đương nhiên được quản lý tài sản của người được giám hộ theo nội dung này. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được thực hiện những nội dung cụ thể như thế nào trong các nội dung trên phụ thuộc vào quyết định của Tòa án. Điều 58 Bộ luật Dân sự năm 2015 kế thừa nguyên vẹn quy định tại Điều 69 Bộ luật Dân sự năm 2005 và bổ sung thêm trường hợp giám hộ đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Thủ tục bán tài sản là nhà, đất thông qua người giám hộ:
Thủ tục, trình tự trong trường hợp người giám hộ có quyền bán tài sản là bất động sản gồm nhà, đất… của người được giám hộ được thực hiện theo quy định của Luật Công chứng tại Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng để thực hiện công chứng hợp đồng mua bán nhà đất, như sau:
(1) Hồ sơ bên bán tài sản (thực hiện thông qua người giám hộ):
- Giấy tờ tuỳ thân của người được giám hộ và người giám hộ: Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy xác nhận cư trú (nếu có); đăng ký kết hôn (nếu có), giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người được giám hộ…
- Giấy tờ về tài sản: Sổ đỏ hoặc biên bản bàn giao…
- Giấy tờ chứng minh việc giám hộ: Quyết định cử người giám hộ của Toà án, giấy đăng ký giám hộ tại Uỷ ban nhân dân cấp xã… về việc cử, chỉ định người giám hộ.
- Giấy tờ chứng minh việc đồng ý cho bán tài sản của người được giám hộ từ người giám sát việc giám hộ.
- Phiếu yêu cầu công chứng (điền đầy đủ thông tin theo mẫu do Văn phòng/Phòng công chứng).
(2) Hồ sơ bên mua tài sản:
- Giấy tờ tuỳ thân của người mua như Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy xác nhận cư trú (nếu có); đăng ký kết hôn (nếu có), giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
- Dự thảo hợp đồng mua bán (nếu hai bên có thoả thuận từ trước).
Điều 59. Quản lý tài sản của người được giám hộ
1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.
Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
2. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quản lý tài sản của người được giám hộ theo quyết định của Tòa án trong phạm vi được quy định tại khoản 1 Điều này.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338