Language:
Quảng cáo sai sự thật về thuốc, thực phẩm chức năng bị xử lý ra sao?
31/03/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Trước tình trạng quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng tràn lan trên mạng internet nhiều ngươid băn khoăn về: Quy định pháp luật về quảng cáo các mặt hàng này ra sao? Chế tài xử lý đối với nghệ sĩ, diễn viên, cá nhân, tổ chức vi phạm về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng sai sự thật?

 

 

Giải đáp của Luật sư Hà Thị Khuyên như sau: Hiện nay bên cạnh những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn còn tồn tại rất nhiều những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo, quảng cáo không đúng bản chất của sản phẩm, quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung và quảng cáo không đúng nội dung đã được thẩm định.

 

Theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Luật Dược năm 2016 quy định thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm. Nếu tổ chức, cá nhân muốn quảng cáo thuốc đến người tiêu dùng thì phải đáp ứng các điều kiện về quảng cáo thuốc, tại Điều 6 Luật Dược năm 2016 quy định về “cấm quảng cáo thuốc” khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc không đúng với nội dung đã được xác nhận.

 

Còn đối với thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có chức năng chữa bệnh, vì vậy được điều chỉnh bằng các văn bản quy phạm pháp luật riêng. Cụ thể: Tại khoản 23, Điều 2, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định “Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học”.

 

Tại Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định về hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo khi Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

 

Tại Điều 4, Luật Dược năm 2015 quy định đối với mặt hàng là thuốc điều trị bệnh thì cơ quan quản lý nhà nước về dược bao gồm: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dược; Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dược; Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về dược và phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về dược theo phân công của Chính phủ; Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về dược tại địa phương. Đối với mặt hàng là thực phẩm chức năng thì đơn vị có trách nhiệm quản lý là Bộ Y tế, Bộ Công thương, UBND các cấp quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Ngoài ra, các cơ quan như quản lý thị trường, công an cũng có trách nhiệm quản lý đối với các mặt hàng đang lưu hành tại địa phương mình quản lý.

 

Hành vi quảng cáo thuốc khi chưa có sự xác nhận nội dung của cơ quan quản lý nhà nước sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 67 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, có đưa thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải là thuốc có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc, trừ trang thiết bị y tế, thì hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, mức phạt trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân.

 

Đối với mặt hành thuốc Bộ Y tế đã ban hành công văn số 7173 ngày 12/12/2022 về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc và đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc. Đối với mặt hàng thực phẩm chức năng Bộ Y tế ban hành Công văn 1504/BYT-ATTP Ngày 25/3/2022 về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tại công văn 1504/BYT-ATTP này Bộ Y tế yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công thương; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công An; Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cùng tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó có nội dung đề xuất xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng. Đồng thời, giao Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định.

 

Theo điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, hành vi quảng cáo không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hành hóa, dịch vụ cung cấp là một trong những hành vi bị cấm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

 

Đối với nghệ sĩ, diễn viên đóng trong các quảng cáo sai sự thật nếu họ không biết, không nhận thức được đây là những mặt hàng không có công dụng như nội dung quảng cáo thì không vi phạm. Trường hợp nghệ sĩ, diễn viên biết và nhận thức được công dụng các mặt hàng này không đúng như nội dung quảng cáo nhưng vẫn nhận lời đề nghị của các cá nhân, tổ chức kinh doanh dược, tổ chức kinh doanh thực phẩm chức năng để quảng cáo sai sự thật về công dụng của thuốc, của thực phẩm chức năng thì phải xem xét về cả trách nhiệm pháp luật và khía cạnh đạo đức, bởi nghệ sĩ, diễn viên là những người nhận thức pháp luật rất tốt không thể vì lợi ích vật chất mà thực hiện các hành vi tiếp tay cho gian thương quảng cáo quá khả năng của thuốc và thực phẩm chức năng, trong khi những người mua thuốc và thực phẩm chức năng là những người có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi, người bị bệnh, người nghèo nếu mua phải những sản phẩm không có công dụng gì sẽ tốn kém tiền bạc và thời gian mà bệnh tình không thuyên giảm ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng.

 

Đối với những nghệ sĩ, diễn viên tiếp tay cho các quảng cáo sai sự thật ngoài bị xử phạt còn sẽ bị cấm sóng theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ban hành ngày 13/12/2021.

 

Theo khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 thì quảng cáo sai sự thật có thể được hiểu là quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố. Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.

 

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội quảng cáo gian dối với mức phạt như sau: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338