Theo quy định pháp luật thì cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, hiến xác của mình sau khi chết; có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và luật khác có liên quan.
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35 và được tổng hợp thành Điều 35 Bộ luật Dân sự năm 2015 đồng thời cụ thể điều luật này. Tại khoản 1 điều 35 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau: “Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác”. Đồng thời khoản tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định: “Cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác” và tại khoản 3 điều này: “Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và luật khác có liên quan.
Tại Điều 5, Điều 6 Luật hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người quy định việc hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người phải vì mục đích chữa bệnh, thử nghiệm, nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác. Cá nhân khi thực hiện quyền này phải là người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Trường hợp hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo thì nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đối với những người thuộc diện bị nhiễm HIV, nghiện ma túy thì việc thực hiện quyền này của họ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
Theo Điều 17 Luật hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người; Thông tư số 104/2017/TT-BTC về quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác. Thì người đã hiến mô, bộ phận cơ thể của mình nhận được những quyền lợi sau:
- Đối với người đã hiến mô được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế.
- Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người có các quyền lợi sau đây:
- Được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến bộ phận cơ thể người tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí;
- Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí;
- Được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế;
- Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tại Điều 12, Điều 16 Luật hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người; Quyết định số 07/2008/QĐ-BYT ngày 14/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành các mẫu đơn tự nguyện hiến, huỷ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống, sau khi chết và hiến xác; các mẫu thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết và hiến xác. Thì việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống được thực hiện như sau:
- Người có đủ điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết có quyền bày tỏ nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể của mình với cơ sở y tế.
- Khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
- Khi nhận được thông báo về trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể người, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến.
- Khi nhận được thông báo của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế có thẩm quyền có trách nhiệm sau đây: Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người; Hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho người hiến; Báo cáo danh sách người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
- Việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống có hiệu lực kể từ khi cơ sở y tế nhận đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống.
Như vậy, quy định về mục đích hiến mô, bộ phận cơ thể người cũng như mục đích của việc nhận, sử dụng bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật Dân sự năm 2005: “Nghiêm cấm việc nhận, sử dụng bộ phận cơ thể của người khác vì mục đích thương mại” đã được loại bỏ khỏi ộ luật Dân sự năm 2015 vì vào ngày 29/11/2009 Việt Nam đã thông qua luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
Điều 35. Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
1. Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
2. Cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
3. Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và luật khác có liên quan.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338