Thừa kế là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho những chủ thể còn sống theo ý chí của người để lại tài sản hoặc theo quy định pháp luật. Do đó, cần nắm chắc các quy định về quyền thừa kế, di sản, người thừa kế; thời điểm, địa điểm mở thừa kế; thời hiệu thừa kế.
Tại Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền thừa kế. Theo đó, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Nếu người đó không thể hiện ý chí để định đoạt tài sản thông qua di chúc hoặc sự định đoạt của họ thông qua việc lập di chúc không phù hợp với yêu cầu của pháp luật thì di sản mà họ để lại sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Vì thế người để lại di sản là người mà sau khi chết có tài sản để lại cho người khác theo trình tự thừa kế: Theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.
Chủ thể của quyền thừa kế là người có tài sản để lại gọi là người lập di chúc và người được thừa hưởng di sản của người lập di chúc gọi là người thừa kế; người lập di chúc phải là cá nhân. Vì quan hệ thừa kế là việc di chuyển tài sản từ sở hữu của người chết sang cho người còn sống, mà chỉ con người mới có thể chết; tổ chức thì không thể chết giống như con người, pháp luật có quy định tổ chức có thể “chết” về mặt pháp lý đó là các trường hợp chấm dứt hoạt động; nhưng tổ chức là một tập thể gồm nhiều cá nhân khác nhau, việc định đoạt tài sản khi chấm dứt hoạt động phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, chứ không thể thực hiện theo ý chí của riêng một cá nhân nào. Vì thế tổ chức không thể là chủ thể lập di chúc; tuy nhiên pháp luật lại cho phép tổ chức có quyền là chủ thể hưởng thừa kế, nếu người lập di chúc để lại tài sản cho tổ chúc đó và với điều kiện là tổ chức vẫn đang hoạt.
Đối tượng của quyền thừa kế là tài sản, quyền tài sản thuộc sở hữu của người đã chết; quyền thừa kế đi kèm với quyền tài sản, vì vậy việc chuyển giao tài sản phải đi cùng với chuyển giao quyền tài sản. Tuy nhiên trong một số trường hợp quyển tài sản gắn liền với quyền nhân thân đặc biệt không thể chuyển giao, như tiền cấp dưỡng… vì pháp luật quy định chỉ có chính bản thân người đó mới được hưởng.
Như vậy, người để lại di sản thừa kế chỉ có thể là cá nhân, không thể là pháp nhân hay tổ chức. Trong khi người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc có thể là người thừa kế nằm trong diện thừa kế nhưng cũng có thể là người nằm ngoài diện thừa kế (không phụ thuộc vào người này có một trong ba mối quan hệ: hôn nhân, huyết thống hay nuôi dưỡng với người để lại di sản). Người hưởng di sản thừa kế theo di chúc không chỉ là cá nhân mà còn có thể là Nhà nước, pháp nhân và các chủ thể khác tồn tại với tư cách là tổ chức. Tuy nhiên, tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định những trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào di chúc nên khi phân chia di sản cần lưu ý.
Điều 609. Quyền thừa kế
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338