Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Tại Điều 333 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền và nghĩa vụ của bên mua tài sản. Theo đó, sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực. Chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trong giao kết hợp đồng dân sự nói chung và hợp đồng mua bán tài sản nói riêng, hầu hết các bên chủ thể đều mong muôn đạt được sự thỏa thuận và thực hiện theo đúng thỏa thuận đó. Tuy nhiên, việc thực hiện các hợp đồng trên thực tế không phải lúc nào cũng diễn ra theo đúng nguyện vọng của các bên. Xuất phát từ rất nhiều lý do khác nhau, một trong các bên của hợp đồng hoàn toàn có thể vi phạm nghĩa vụ phát sinh theo chính thỏa thuận đó. Việc vi phạm này của một trong các bên sẽ làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của bên còn lại. Trong hợp đồng mua bán, khi bên bán đã chuyển giao tài sản cho bên mua mà bên mua chưa kịp thanh toán tiền thì rủi ro sẽ nhiều hơn cho bên bán. Vì quyền và lợi ích của bên bán có đạt được hay không lại hoàn toàn dựa vào việc thực hiện hành vi của bên mua. Còn bên mua đã được chiếm hữu thực tế tài sản đó nên nếu bên muạ có vi phạm, bên bán có quyền đòi lại tài sản đó. Tuy nhiên, không phải lúc nào bên mua cũng vi phạm nghĩa vụ trả tiền. Do vậy, trong khoảng thời gian thanh toán theo thỏa thuận của các bên, việc chiếm hữu thực tế tài sản của bên mua sẽ phát sinh quyền được khai thác, sử dụng hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản mua bán.
Theo quy định khi mua tài sản theo hình thức mua chậm trả dần, mặc dù chưa thanh toán hết tiền, nhưng bên mua vẫn được chiếm hữu, sử dụng tài sản. Bên bán chỉ kiểm soát việc bên mua tặng cho, trao đổi, bán tài sản khi chưa thanh toán hết tiền, nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ. Do đó, bên mua vẫn có quyền hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho bên mua trong việc sử dụng tài sản và đúng với bản chất của bảo lưu quyền sở hữu. Bảo lưu quyền sở hữu là việc bên bán bảo lưu quyền sở hữu của mình với tài sản đã bán, trong trường hợp bên mua chưa thanh toán hết tiền, theo đó, bên mua vẫn có quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản trong thời hạn bảo lưu. Nếu, bên mua không được sử dụng tài sản cho đến khi thanh toán hết tiền thì quan hệ mua bán này lại quay trở về hình thức mua đứt, bán đoạn. Việc để bên mua được hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản còn tạo ra nguồn thu nhập để thực hiện nghĩa vụ. Việc đầu tư vào tài sản phải phù hợp theo định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Cụ thể:
Điều 20. Đầu tư vào tài sản thế chấp
1. Trường hợp bên thế chấp thực hiện quyền đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp theo quy định tại khoản 2 Điều 321 của Bộ luật Dân sự thì phần giá trị đầu tư tăng thêm thuộc tài sản thế chấp.
2. Việc đầu tư vào tài sản thế chấp phải có sự đồng ý của bên nhận thế chấp trong trường hợp:
a) Bên thứ ba đầu tư vào tài sản thế chấp;
b) Bên thế chấp đầu tư vào tài sản thế chấp làm phát sinh tài sản mới không thuộc tài sản thế chấp theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp.
3. Bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu chấm dứt việc đầu tư nếu việc đầu tư quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này làm giảm giá trị tài sản thế chấp.
4. Trường hợp bên thế chấp, bên thứ ba đầu tư vào tài sản thế chấp không tuân thủ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên nhận thế chấp.
5. Trường hợp bên bảo đảm hoặc bên thứ ba đầu tư vào tài sản bảo đảm thuộc biện pháp bảo đảm khác mà các bên không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan không quy định khác thì áp dụng các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
Tài sản thuộc quyền sử dụng của bên mua, bên mua có quyền sử dụng tài sản mà không phụ thuộc vào ý chí của bên bán. Do đó, bên mua phải chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu. Nếu hết thời hạn bảo lưu, mà bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thì, bên mua phải bồi thường cho bên bán những thiệt hại đã gây ra. Nếu hết thời hạn bảo lưu, và bên mua đã hoàn thành nghĩa vụ thì bên mua phải chịu rủi ro về tài sản trong quá trình sử dụng. Các bên có thể có thỏa thuận khác về việc chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Rủi ro về tài sản được hiểu là những tổn thất xảy đến với chính tài sản có thể xuất hiện do khách quan hoặc tiềm ẩn ngay trong nội tại của tài sản đó. Xét về nguyên tắc, bên bán chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được giao cho bên mua, bên mua chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản.
Điều 333. Quyền và nghĩa vụ của bên mua tài sản
1. Sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực.
2. Chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338