Language:
Sập giàn giáo xây dựng tại Bắc Ninh khiến 02 người thương vong. Trách nhiệm pháp lý ra sao?
10/11/2022
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Theo thông tin ban đầu của cơ quan chức năng, trong lúc đổ trần tầng 1 công trình xây dựng tại TP.Bắc Ninh, giàn giáo bất ngờ đổ sập khiến 1 người tử vong, 1 người bị thương. Bạn đọc băn khoăn, trách nhiệm pháp lý sẽ thuộc về ai? Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên và Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn trong lĩnh vực lao động nói chung và lĩnh vực xây dựng nói riêng, hậu quả những vụ tai nạn này rất thảm khốc và thương tâm, bởi những người thiệt mạng không ai khác là những người công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, trước hết cơ quan đoàn thể và chính quyền địa phương, chủ đầu tư, người sử dụng lao động cần đến thăm hỏi, động viên tinh thần các gia đình nạn nhân, xoa dịu nỗi đau mất mát.

 

 

Với hậu quả chết người xảy ra, cơ quan công an cần có động thái vào cuộc để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, nguyên nhân xập giàn giáo là do yêu tố khách quan hay yếu tố chủ quan, công trình xây dựng đã được cơ quan chức năng cho phép xây dựng chưa, đã đảm bảo các điều kiện thi công chưa, những công nhân tham gia thi công đã được huấn luyện nghiệp vụ an toàn lao động chưa, giàn giáo sử dụng đã phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật chưa, những người tham gia phụ trách đóng giàn giáo đã tuân thủ đúng kỹ thuật theo quy định chưa… làm rõ những vấn đề này để điều tra nguyên nhân, xác định trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan trong vụ tai nạn lao động này.

 

Sự việc có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động” quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015, hậu quả chết 01 người và bị thương 01 người nên khung hình phạt có thể sẽ từ 01-05 năm tù, ngoài ra những cá nhân và tổ chức vi phạm sẽ phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân, do tính mạng và sức khỏe của các nạn nhân bị xâm phạm, theo quy định tại Điều 590, 591 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trách nhiệm pháp lý sẽ đặt ra đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm, trách nhiệm có thể từ chủ đầu tư nếu công trình vi phạm về xin cấp phép xây dựng, từ đơn vị thi công - giám sát nếu quá trình thi công không đảm bảo quy trình kỹ thuật và an toàn lao động, từ những cá nhân có trách nhiệm vận hành giàn giáo nếu thiếu kiểm tra hoặc không thực hiện hết trách nhiệm. Trong vụ việc này sẽ thực hiện các hoạt động tố tụng như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, giám định thương tích, thu thập lời khai của những người chứng kiến, trích xuất camera hiện trường… để củng cố hồ sơ và có căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra sự việc, để có căn cứ xử lý cá nhân, tổ chức có vi phạm theo quy định pháp luật.

 

Theo quy định pháp luật hình sự, tội vi phạm an toàn lao động là hành vi không thực hiện hoặc không đúng, không đầy đủ, không đúng quy trình… đưa đến hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản, thiệt hại là yếu tố cấu thành bắt buộc của tội phạm này; mối quan hệ nhân quả là dấu hiệu bắt buộc để xem xét trách nhiệm hình sự. Trường hợp có tai nạn lao động xảy ra gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người lao động trong quá trình tham gia lao động, mà nguyên nhân là do chính bản thân người lao động vi phạm các quy định về an toàn hoặc vô ý thiếu thận trọng tự gây ra cho mình, thì không truy cứu trách nhiệm hình sự người có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động.