Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Theo quy định tại Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 2015 về việc tịch thu tài sản, thì tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước.Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định. Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.
Còn theo Điều 26 Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 quy định việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại Điều 82 của Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012. Ngoài ra, tại Điều 81 Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 quy định về thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cụ thể khi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 của luật này, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, số đăng ký (nếu có), tình trạng, chất lượng của vật, tiền, hàng hoá, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và phải có chữ ký của người tiến hành tịch thu, người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt và người chứng kiến; trường hợp người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay trước mặt người bị xử phạt, đại diện tổ chức bị xử phạt hoặc người chứng kiến. Việc niêm phong phải được ghi nhận vào biên bản. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đang bị tạm giữ, người có thẩm quyền xử phạt thấy tình trạng tang vật, phương tiện có thay đổi so với thời điểm ra quyết định tạm giữ thì phải lập biên bản về những thay đổi này; biên bản phải có chữ ký của người lập biên bản, người có trách nhiệm tạm giữ và người chứng kiến. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu phải được quản lý và bảo quản theo quy định của Chính phủ.
Tại Điều 244 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc tài sản bị tịch thu. Theo đó, khi tài sản của chủ sở hữu do phạm tội, vi phạm hành chính mà bị tịch thu, sung quỹ nhà nước thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt kể từ thời điểm bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác có hiệu lực pháp luật.
Có thể thấy, việc tịch thu tài sản được áp dụng đối với những người phạm tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng trong những trường hợp Bộ luật Hình sự quy định. Trong phần các tội phạm, tịch thu tài sản có thể được quy định riêng như đối với các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia (Quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự) hoặc được quy định là chế tài lựa chọn cùng với phạt tiền khi là hình phạt bổ sung như đối với một số tội xâm phạm sở hữu, trật tự quản lý kinh tế, tội mua bán người, tội phạm về ma túy…
Khi tuyên hình phạt tịch thu tài sản, tòa án có thể tuyên tước một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội. Tài sản bị tước phải thuộc sở hữu của người bị kết án, tài sản đó có thể là tài sản người bị kết án đang sử dụng hoặc là tài sản đã cho vay, mượn, thuê, gửi sửa chữa, gửi người khác giữ hoặc đang cầm cố thế chấp… Tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án có thể tồn tại dưới dạng hiện vật hoặc là tiền, kể cả tiền gửi ngân hàng, quỹ tín dụng hoặc trái phiếu, tín phiếu… Theo Điều 45 Bộ luật Hình sự, trong trường hợp tịch thu toàn bộ tài sản, cơ quan thi hành án vẫn phải để lại cho người bị kết án và gia đình họ những phương tiện sinh hoạt tối thiểu. Đây là những tài sản tạo điều kiện sinh sống cho gia đình và bản thân người bị kết án sau thời gian chấp hành án.
Quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu cũng có thể bị chấm dứt do bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Đây cũng là trường hợp chấm dứt quyền sở hữu thông qua một bản án hoặc quyết định của Tòa án, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác. Việc tịch thu tài sản cũng chỉ được thực hiện trong những trường hợp nhất định và phải tuân thủ quy định pháp luật về trình tự, thủ tục. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa tịch thu và trưng mua đó là khi tài sản bị trưng mua, chủ sở hữu tài sản được trả tiền theo quy định của pháp luật, còn chủ sở hữu tài sản bị tịch thu sẽ không nhận được bất cứ khoản tiền nào. Ngoài ra, việc trưng mua tài sản xuất phát từ lý do quốc phòng, anh ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, còn việc tịch thu tài sản xuất phát từ hành vi phạm tội hoặc vi phạm pháp luật hành chính của chủ sở hữu tài sản.
Điều 244. Tài sản bị tịch thu
Khi tài sản của chủ sở hữu do phạm tội, vi phạm hành chính mà bị tịch thu, sung quỹ nhà nước thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt kể từ thời điểm bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác có hiệu lực pháp luật.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338