Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Theo thông tin ban đầu, tài xế lái ôtô từ TP.HCM về Quảng Ngãi, tài xế này đã lấy trộm thùng hàng của hành khách trong lúc đổi ca, đối tượng này gọi điện nhờ người thân mang kiện hàng chứa đầy vàng mang về nhà cất giấu. Ngày 29/11/2022, Công an TP.Quảng Ngãi tạm giữ hình sự đối với tà xế này về hành vi trộm cắp tài sản.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên và Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, hành vi của tài xế không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức người lái xe, làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của nhà xe, hành vi thể hiện bản tính tham lam, ích kỷ. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Việc cơ quan công an tiến hành tạm giữ hình sự đối với tài xế để đấu tranh thu hồi tang vật mà đối tượng đã trộm cắp là đúng quy định, cơ quan điều tra sẽ định giá số tài sản này để có căn cứ xử lý đối tượng theo quy định pháp luật, khi đối tượng nhận kiện hàng của khách là nhận một cách công khai để quản lý và vận chuyển, nhưng lợi dụng sở hở của nhà xe khi thay đổi tài xế, đối tượng đã lén lút lấy số vàng trên để gửi người thân mang về cất giấu, hành vi này của đối tượng đã cấu thành tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu số vàng có giá trị 400 triệu như thông tin ban đầu thì hình phạt mà đối tượng này sẽ phải đối mặt từ 07-15 năm tù.
Trong vụ án này có sự tham gia của người nhà tài xế, nhận và giữ hộ số tài sản đối tượng tài xế trộm cắp, trường hợp người giữ hộ tài sản cho người tài xế này mà biết rõ nguồn gốc tài sản đó do trộm cắp mà có và vẫn cố ý giữ hộ tài sản, hai bên có hứa hẹn phân chia lợi ích thì người giữ hộ được coi là đồng phạm của tội trộm cắp tài sản. Nếu không thực hiện với vai trò đồng phạm, người giữ hộ tài sản cũng có thể đối mặt với tội danh Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi phạm tội với dấu hiệu chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là tài sản đang được chiếm hữu không hợp pháp, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, người phạm tội biết rõ tính chất của tài sản mà mình chứa chấp, tiêu thụ. Bởi vậy, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ ý thức chủ quan và hành vi khách quan của người giữ hộ tài sản trộm cắp để có căn cứ xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Phân tích thêm, các luật sư cho biết, hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản là hành vi “chiếm đoạt” tài sản, nhưng hành vi chiếm đoạt ở đây là chiếm đoạt bằng hình thức lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết. Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, người thực hiện hành vi nhận thức rõ hành vi trộm cắp tài sản của mình là trái pháp luật hoặc có thể gây ra thiệt hại về tài sản cho người khác, song mong muốn hậu quả xảy ra. Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội trộm cắp tài sản, mục đích của tội phạm ở đây chính là mong muốn chiếm đoạt được tài sản thuộc sở hữu của người bị hại.