Khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện các nghĩa vụ về tài sản, cụ thể là nghĩa vụ thanh toán tài sản đối với các chủ thể khác. Pháp nhân thực hiện việc thanh toán tài sản theo thứ tự sau:
- Chi phí giải thể pháp nhân: Khi pháp nhân giải thể thì cần phải thanh toán các khoản chi phí liên quan đến việc làm, thủ tục giải thể hoặc tiền thuê tư vấn pháp lý về giải thể và giải quyết hậu quả của việc giải thể…
- Các khoản chi phí cho người lao động: cụ thể là thanh toán các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động theo quy định của pháp luật và các quyền lợi của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết.
- Thanh toán khoản nợ thuế và các khoản nợ khác. Các khoản nợ này có thể là khoản nợ mà pháp nhân đã nợ cá nhân, pháp nhân khác trong quá trình hoạt động của mình.
Theo thứ tự này được hiểu sau khi thực hiện chi phí giải thể pháp nhân, tài sản còn lại ưu tiên thanh toán cho người lao động và sau đó mới dùng để thanh toán các khoản nợ thuế và các khoản nợ khác của pháp nhân. Điều này hướng đến ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích pháp của người lao động trước lợi ích của Nhà nước và các chủ thể khác.
Về nguyên tắc, sau khi thực hiện xong các nghĩa vụ thanh toán từ tài sản, phần tài sản còn lại sẽ thuộc sở hữu của chủ sở hữu pháp nhân, các thành viên góp vốn. Thông thường, với số tài sản còn lại, pháp nhân căn cứ vào tỉ lệ đóng góp của các thành viên và chia số tài sản đó cho các thành viên góp vốn theo tỉ lệ đã xác định.
Đối với các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, sau khi thực hiện xong các nghĩa vụ về tài sản thì tài sản còn lại được chuyển giao cho quỹ khác cùng mục đích hoạt động. Sở dĩ, đối với các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tài sản còn lại của quỹ sau khi giải thể không được chia cho các thành viên vì điều này phụ thuộc vào mục đích và tôn chỉ hoạt động của quỹ. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoạt động vì lợi ích chung của xã hội, vì lợi ích của những người nghèo khổ trong cuộc sống. Do đó, việc chuyển quỹ cho các quỹ khác cùng mục đích hoạt động để tiếp tục sử dụng số tiền đó cho vì lợi ích chung của xã hội là hoàn toàn hợp lý. Hơn thế nữa, quy định này nhằm ngăn ngừa các quỹ xã hội, quỹ từ thiện thành lập với mục đích vì cộng đồng xã hội nhưng lại nhằm tư lợi cho chính các thành viên trong quỹ. Trong trường hợp không có quỹ khác có cùng mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc quỹ bị giải thể do hoạt động vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì tài sản của quỹ bị giải thể thuộc về Nhà nước. (Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ, (2017), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb.Công an nhân dân).
Điều 94. Thanh toán tài sản của pháp nhân bị giải thể
1. Tài sản của pháp nhân bị giải thể được thanh toán theo thứ tự sau đây:
a) Chi phí giải thể pháp nhân;
b) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
c) Nợ thuế và các khoản nợ khác.
2. Sau khi đã thanh toán hết chi phí giải thể pháp nhân và các khoản nợ, phần còn lại thuộc về chủ sở hữu pháp nhân, các thành viên góp vốn, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Trường hợp quỹ xã hội, quỹ từ thiện đã thanh toán hết chi phí giải thể và các khoản nợ quy định tại khoản 1 Điều này, tài sản còn lại được chuyển giao cho quỹ khác có cùng mục đích hoạt động.
Trường hợp không có quỹ khác có cùng mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc quỹ bị giải thể do hoạt động vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì tài sản của quỹ bị giải thể thuộc về Nhà nước.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338