Luật sư Hà Thị Khuyên
Thông tin từ báo chí, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM vừa có thông báo về quyền yêu cầu thi hành án vụ Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Theo đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại trong vụ án, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã thông báo đến những người bị hại trong vụ lừa đảo của Công ty Alibaba. Cụ thể, những ai chưa làm đơn yêu cầu thi hành án thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thông báo hợp lệ, đề nghị liên hệ với Cục Thi hành án dân sự TP.HCM (địa chỉ số 372A Nguyễn Văn Lượng, phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM) để làm đơn yêu cầu theo quy định. (Link thông tin https://tuoitre.vn/vu-alibaba-cuc-thads-tp-hcm-se-tra-tien-cho-bi-hai-co-yeu-cau-thi-hanh-an-20231002144604242.htm?)
Phóng viên hỏi luật sư: Theo quy định pháp luậy thì quy trình trả lại tiền cho bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba sẽ được tiến hành như thế nào?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên thuộc Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích, vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Công ty Alibaba có số lượng bị hại lên đến hàng nghìn người, đến thời điểm hiện tại Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cho biết còn 3.390 bị hại chưa nộp đơn yêu cầu. Theo quy định pháp luật tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Trong vụ án này các bị hại phải có đơn đề nghị thi hành án để làm căn cứ giải quyết.
Số tiền thi hành án sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật Thi hành án dân sự thì được thanh toán theo thứ tự:
- Thứ nhất, tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần.
- Thứ hai, án phí, lệ phí Tòa án.
- Thứ ba, các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.
Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 47 Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều 47, trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án. Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán.
Sau khi thanh toán theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 Luật Thi hành án, thì số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.
Thủ tục thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án quy định tại Điều 49 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định trường hợp thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự thì những người được thi hành án đã yêu cầu theo các bản án, quyết định đang do cơ quan thi hành án đó tổ chức thi hành tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế hoặc có biên bản về việc tự nguyện giao tài sản được ưu tiên thanh toán.
Trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP thì Chấp hành viên thực hiện thủ tục về thi hành án đối với những người đã yêu cầu thi hành án; tổ chức giao tiền, tài sản cho những người đã yêu cầu hoặc những người được thi hành án có mặt tại thời điểm thanh toán tiền, trả tài sản. Quyền và lợi ích hợp pháp của những người được thi hành án khác theo bản án, quyết định đó được giải quyết theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật về dân sự.
Đối với khoản tiền chi trả cho người được nhận là cá nhân, cơ quan thi hành án dân sự thông báo bằng văn bản yêu cầu người được nhận đến nhận. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông báo mà người được nhận tiền không đến nhận nếu họ ở xa trụ sở cơ quan thi hành án dân sự, đã xác định được địa chỉ rõ ràng của họ và khoản tiền có giá trị nhỏ hơn 01 tháng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định thì cơ quan thi hành án dân sự lập phiếu chi và gửi tiền cho họ qua đường bưu điện. Trường hợp bưu điện trả lại tiền do không có người nhận thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý theo quy định tại khoản 5 Điều 49 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP.
Trường hợp người được nhận tiền cung cấp tài khoản và yêu cầu chuyển khoản thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục chuyển khoản.
Trường hợp người được thi hành án là doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế xã hội thì việc chi trả tiền thi hành án thực hiện bằng chuyển khoản. Cước phí chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản tiền, thuê bảo quản tài sản quy định tại Điều này do người được nhận tiền, tài sản chịu.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338