Tại Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời điểm, địa điểm mở thừa kế. Theo đó, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật Dân sự. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.
Quy định tại Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã xác định cái chết của một người theo 02 nghĩa là "chết về mặt sinh học" (cái chết thực tế) và "chết về mặt pháp lý" (tuyên bố chết).
1. Thời điểm mở thừa kế:
Thời điểm phát sinh quan hệ thừa kế là khi người có tài sản chết, bản chất của thừa kế là di chuyển tài sản của người chết sang cho người còn sống, do vậy chỉ khi người có tài sản chết thì mới phát sinh quan hệ thừa kế đúng với bản chất của nó; trường hợp không xác định được cụ thể ngày chết của người có tài sản, thì những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là đã chết. Trường hợp này thời điểm mở thừa kế tức ngày chết của người có tài sản được xác định theo quyết định của Tòa án, hoặc là ngày mà quyết định của Tòa án có hiệu lực.
Việc xác định thời điểm mở thừa kế rất quan trọng, kể từ thời điểm đó xác định được chính xác tài sản người để lại thừa kế là bao nhiêu, gồm những gì; làm phát sinh quyền của người hưởng di sản được hưởng di sản của người đã chết; thời điểm mở thừa kế là căn cứ để xác định người hưởng thừa kế gồm những ai, vì chỉ những người cá nhân còn sống, tổ chức còn hoạt động tại thời điểm mở thừa kế, hoặc cá nhân đã thành thai trước thời điểm mở thừa kế thì mới có quyền hưởng hưởng di sản; nếu có tranh chấp trong việc phân chia di dản, thời điểm thừa kế còn là căn cứ để xác định thời hạn giải quyết tranh chấp.
Thời điểm người có tài sản chết:
Theo quy định của pháp luật về hộ tịch, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.
Nội dung khai tử phải bao gồm các thông tin: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch; quốc tịch nếu người chết là người nước ngoài. Do đó, thời điểm người có tài sản chết được xác định theo giấy chứng tử được cơ quan có thẩm quyền cấp.
Nội dung đăng ký khai tử được xác định theo giấy báo tử hoặc giấy tờ thay giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền sau đây cấp: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp giấy báo tử trong trường hợp thông thường; Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế cấp giấy báo tử; Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay giấy báo tử; Đối với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay giấy báo tử; Đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y thay giấy báo tử. Như vậy, thời điểm chết để xác định thời điểm mở thừa kế phải căn cứ vào giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế giấy báo tử. Và tùy từng trường hợp mà thời điểm mở thừa kế sẽ được xác định theo ngày hoặc có thể chính xác đến giờ, phút cụ thể.
Ngày chết được Tòa án xác định trong bản án, quyết định tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật:
Tuyên bố chết trong pháp luật dân sự có ý nghĩa quan trọng, vì trong quan hệ dân sự, mối quan hệ về quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các cá nhân gắn bó chặt chẽ với nhau, việc một người vắng mặt ở nơi cư trú trong một thời gian dài mà không có tin tức xác thực rằng người đó còn sống hay đã chết có thể ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, lợi ích của các chủ thể liên quan. Do đó, việc xác định một người còn sống hay đã chết là cơ sở cho việc xác định thời điểm phát sinh, chấm dứt nhiều quyền, nghĩa vụ của người đó trong các quan hệ pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự năm 2015, người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây: Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống; Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống; Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết.
Thời hạn 05 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết thuộc các trường hợp nói trên. Trước khi ra quyết định tuyên bố một người là đã chết thì Tòa án phải ra quyết định thông báo tìm kiếm thông tin về người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết. ùy từng trường hợp nêu trên mà Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết. Quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
2. Địa điểm mở thừa kế:
Hiện nay pháp luật quy định về nơi cư trú là chỗ ở hợp pháp mà người để lại di sản thường xuyên sinh sống, nơi cư trú bao gồm nơi thường trú và nơi tạm trú; từ đó có thể thấy một người có thể có nhiều nơi cư trú khác nhau, vì vậy mà pháp luật mới quy định địa điểm mở thừa kế là nơi mà người đó thường xuyên sinh sống; nếu không thể xác định được nơi người đó thường xuyên sinh sống thì địa điểm mở thừa kế được xác định là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn tài sản, vì sẽ thuận tiện hơn cho việc liệt kê tài sản của người chết, mà không phải di chuyển tài sản (trong trường hợp tài sản để lại là bất động sản thì không thể di chuyển được).
Địa điểm thừa kế cần được xác định cụ thể vì đây là căn cứ để xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nếu có tranh chấp xảy ra, địa điểm thừa kế còn là nơi thực hiện kiểm kê tài sản của người chết, xác định xem những ai có quyền thừa kế di sản, trong trường hợp có người từ chối nhận di sản thì phải thông báo cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.
Cách xác định địa điểm mở thừa kế:
Xác định địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản, Điều 40 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nơi cư trú của cá nhân: "Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống. Trường hợp một bên trong quan hệ dân sự thay đổi nơi cư trú gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thì phải thông báo cho bên kia biết về nơi cư trú mới”. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định về nơi cư trú của người chưa thành niên, của người được giám hộ, nơi cư trú của vợ chồng, của quân nhân và nơi cư trú của người làm nghề lưu động quy định từ từ Điều 41 đến Điều 45 Bộ luật Dân sự.
Từ quy định trên có thể xác định địa điểm mở thừa kế như sau: Đối với cá nhân chỉ sống và sau đó chết tại một nơi cố định thì địa điểm mở thừa kế của người đó là nơi họ đã sống; Đối với cá nhân có hộ khẩu thường trú ở một nơi nhưng đồng thời có đăng ký tạm trú ở nhiều nơi thì địa điểm mở thừa kế vẫn được xác định tại nơi người đó đã đăng ký hộ khẩu thường trú dù họ đã chết tại nơi đang tạm trú hoặc ở nơi khác; Đối với cá nhân không có hộ khẩu thường trú nhưng họ có đăng ký tạm trú ở nhiều nơi khác nhau thì địa điểm mở thừa kế được xác định tại nơi họ đang tạm trú mà chết; Đối với cá nhân đã từng đăng ký hộ khẩu thường trú ở nhiều nơi khác nhau thì địa điểm mở thừa kế được xác định tại nơi họ đăng ký hộ khẩu thường trú cuối cùng.
Xác định địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản: Khi không thể xác định được nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản thì địa điểm mở thừa kế được căn cứ theo nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản của người chết. Việc xác định địa điểm mở thừa kế theo nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản sẽ có nhiều thuận lợi trong việc xác định di sản, kê khai, quản lý di sản và việc phân chia di sản.
Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338