Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trong quan hệ pháp luật về thừa kế thì thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế cần được chú ý, việc xác định một di sản còn thời hiệu yêu cầu chia di sản hay không có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của những người thừa kế.
Tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu thừa kế. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau: Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự; Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Người thừa kế có quyền yêu cầu chia di sản, tuy nhiên quyền yêu cầu chia di sản chỉ duy trì trong một quãng thời gian nhất định tùy thuộc vào đối tượng tài sản. Cụ thể: Đối với động sản là 10 năm, bất động sản là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế, sau thời gian này thì người thừa kế không còn quyền yêu cầu chia di sản nữa, mà tài sản sẽ thuộc về người quản lý di sản.
Người quản lý di sản là người được người đã chết chỉ định hoặc được những người thừa kế chọn hoặc cũng có thể là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhằm thực hiện các công việc quản lý, giữ gìn, bảo quản tài sản. Trường hợp không có người quản lý di sản thì di sản thuộc quyền sở hữu của người chiếm hữu, được lợi từ di sản sản đó khi người chiếm hữu, người được lợi về tài sản ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản. Trường hợp cũng không có người chiếm hữu, được lợi từ tài sản thì Nhà nước đương nhiên trở thành chủ sở hữu của di sản đó.
Thời hiệu 10 năm là điều kiện để người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật yêu cầu xác nhận mình là người có quyền hưởng di sản, mà những người thừa kế khác đã cho rằng người thừa kế này là người không có quyền hưởng di sản theo quy định pháp luật.
Trường hợp người để lại di sản có nghĩa vụ với người khác là: nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ trả nợ… thì người hưởng di sản thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ đó thay cho người để lại di sản. Những nghĩa vụ này phải được thực hiện trong một quãng thời gian nhất định, đó là 03 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Cần chú ý là chỉ những người thừa kế thực tế nhận di sản thừa kế mới phải thực hiện nghĩa vụ, người thừa kế nhưng từ chối nhận di sản thì không phải thực hiện nghĩa vụ của người đã chết với người khác.
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện:
Khi xác định thời hiệu khởi kiện trong quan hệ dân sự, pháp luật quy định những trường hợp không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự, cụ thể tại Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
- Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
- Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây: Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân; Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.
Như vậy, nếu trong khoảng thời hạn được phép yêu cầu chia thừa kế mà xuất hiện một trong các sự kiện ở điều luật như trên thì khoảng thời gian này không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự:
Trong một số trường hợp, mặc dù đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng pháp luật cho phép được bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Điều 157 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp: Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; Các bên đã tự hòa giải với nhau. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện tại Điều 157 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Như vậy, nếu trong vụ án thừa kế đã gần hết thời hiệu, mà có xảy ra các trường hợp như bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; các bên đã tự hòa giải với nhau, thì thời hiệu bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra các trường hợp tại Điều 157 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thời hiệu chỉ được áp dụng theo yêu cầu của một bên hoặc các bên:
Một trong những quy định quan trọng về áp dụng thời hiệu được quy định tại Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015 là: Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án, vụ việc.
Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
Trường hợp nào thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế:
Căn cứ vào quy định tại tiểu mục 2.4 mục 2 phần I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế:
"a) Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
a.1) Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
a.2) Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
a.3) Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
b) Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo Ủy quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản."
Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338