Điều 455. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn
Thủ tục rút gọn đối với việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định của Chương này và những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này.
Điều 456. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn
1. Thủ tục rút gọn được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ các điều kiện:
a) Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú;
b) Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
c) Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;
d) Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.
2. Thủ tục rút gọn được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong các điều kiện:
a) Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo;
b) Vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo.
Điều 457. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn
1. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 456 của Bộ luật này, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.
Thủ tục rút gọn được áp dụng kể từ khi ra quyết định cho đến khi kết thúc việc xét xử phúc thẩm, trừ trường hợp bị hủy bỏ theo quy định tại Điều 458 của Bộ luật này.
2. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn được giao cho bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ, gửi cho người bào chữa trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định.
Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra, Tòa án được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định.
3. Trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra không đúng pháp luật thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định, Viện kiểm sát phải ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và gửi cho Cơ quan điều tra.
4. Trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Tòa án không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định. Chánh án Tòa án phải xem xét, trả lời trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát.
5. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn có thể bị khiếu nại. Bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; thời hiệu khiếu nại là 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Khiếu nại được gửi đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và phải được giải quyết trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Điều 458. Hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn
Trong quá trình áp dụng thủ tục rút gọn, nếu một trong các điều kiện quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 456 của Bộ luật này không còn hoặc vụ án thuộc trường hợp tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và giải quyết vụ án theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.
Thời hạn tố tụng của vụ án được tính tiếp theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này kể từ khi có quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.
Điều 459. Tạm giữ, tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử
1. Căn cứ, thẩm quyền và thủ tục tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.
2. Thời hạn tạm giữ không được quá 03 ngày kể từ ngày Cơ quan điều tra nhận người bị bắt.
3. Thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra không quá 20 ngày, trong giai đoạn truy tố không quá 05 ngày, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm không quá 17 ngày, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm không quá 22 ngày.
1. Thời hạn điều tra theo thủ tục rút gọn là 20 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.
2. Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra ra quyết định đề nghị truy tố.
Quyết định đề nghị truy tố ghi tóm tắt hành vi phạm tội, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và xử lý vật chứng; đặc điểm nhân thân của bị can, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; lý do và căn cứ đề nghị truy tố; tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự được áp dụng; ghi rõ thời gian, địa điểm, họ tên và chữ ký của người ra quyết định.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định đề nghị truy tố, Cơ quan điều tra phải giao quyết định đề nghị truy tố cho bị can hoặc người đại diện của bị can, gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ và chuyển quyết định đề nghị truy tố cùng hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát.
1. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đề nghị truy tố và hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát ra một trong các quyết định:
a) Truy tố bị can trước Tòa án bằng quyết định truy tố;
b) Không truy tố bị can và ra quyết định đình chỉ vụ án;
c) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
d) Tạm đình chỉ vụ án;
đ) Đình chỉ vụ án.
2. Quyết định truy tố ghi tóm tắt hành vi phạm tội, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; đặc điểm nhân thân của bị can, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nêu rõ lý do và căn cứ truy tố; tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự được áp dụng; ghi rõ thời gian, địa điểm, họ tên và chữ ký của người ra quyết định.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định truy tố, Viện kiểm sát phải giao quyết định cho bị can hoặc người đại diện của họ; gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ và chuyển quyết định truy tố cùng hồ sơ vụ án cho Tòa án.
Điều 462. Chuẩn bị xét xử sơ thẩm
1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công xét xử ra một trong các quyết định:
a) Đưa vụ án ra xét xử;
b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
c) Tạm đình chỉ vụ án;
d) Đình chỉ vụ án.
2. Trường hợp quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp; giao cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.
Điều 463. Phiên tòa xét xử sơ thẩm
1. Phiên tòa xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành.
2. Sau phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Kiểm sát viên công bố quyết định truy tố.
3. Các trình tự, thủ tục khác tại phiên tòa xét xử sơ thẩm được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này nhưng không tiến hành nghị án.
Điều 464. Chuẩn bị xét xử phúc thẩm
1. Việc nhận và thụ lý hồ sơ vụ án được Tòa án cấp phúc thẩm thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.
Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án phải chuyển ngay hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công xét xử ra một trong các quyết định:
a) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm;
b) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.
3. Trường hợp quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án.
4. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; giao cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.
Điều 465. Phiên tòa xét xử phúc thẩm
1. Việc xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành.
2. Các trình tự, thủ tục khác tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này nhưng không tiến hành nghị án.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338
Email: Luatsunhanchinh@gmail.com