Điều 153. Bảo vệ, hỗ trợ người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng
1. Việc tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng phải được tiến hành trong môi trường thuận lợi cho việc bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, bí mật cá nhân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ. Hạn chế đến mức thấp nhất số lần tiếp xúc giữa người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội.
2. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu sự lo lắng, căng thẳng của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng khi tham gia tố tụng.
3. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với người làm công tác xã hội, cơ quan bảo vệ trẻ em và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan nhằm hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng trong quá trình tố tụng.
4. Ưu tiên giải quyết các vụ việc, vụ án có người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng trong thời gian sớm nhất.
5. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp phù hợp, cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng và người thân thích của họ khi bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại.
6. Người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng không bị dẫn giải.
7. Người chưa thành niên là bị hại có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Quỹ Bảo trợ trẻ em.
Điều 154. Việc tham gia tố tụng của người đại diện và người hỗ trợ khác
1. Người chưa thành niên là bị hại có quyền có người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, người chưa thành niên là người làm chứng có quyền có người đại diện cùng tham gia các hoạt động tố tụng. Trường hợp sự tham gia của người đại diện không bảo đảm lợi ích của người chưa thành niên thì phải chỉ định người đại diện khác cho họ theo quy định của pháp luật.
2. Ngay sau khi thụ lý vụ việc, vụ án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo bằng văn bản cho người đại diện của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng để tham gia tố tụng; trường hợp cần thiết có thể thông báo trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử khác nhưng ngay sau đó phải gửi thông báo bằng văn bản. Người đại diện phải có mặt đúng thời gian, địa điểm nêu trong thông báo.
3. Trước khi tiến hành hoạt động tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo cho người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên là bị hại, người đại diện của người làm chứng theo quy định của Luật này và Bộ luật Tố tụng hình sự.
4. Theo đề nghị của người chưa thành niên là bị hại, người đại diện của họ hoặc khi xét thấy cần thiết, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị người làm công tác xã hội tham gia tố tụng để hướng dẫn, hỗ trợ cho người chưa thành niên và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác của người làm công tác xã hội theo quy định của pháp luật.
5. Trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể yêu cầu chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học hỗ trợ người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng khi tham gia tố tụng.
Điều 155. Giữ bí mật thông tin của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng
1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng.
2. Nghiêm cấm tiết lộ thông tin về họ và tên, nơi cư trú, học tập, làm việc, hình ảnh, thông tin nhận dạng khác của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng.
Khi tuyên án, Thẩm phán không được nêu họ và tên, nơi cư trú, học tập, làm việc của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng.
3. Tòa án xét xử kín đối với vụ án hình sự có người chưa thành niên bị xâm hại tình dục hoặc trường hợp đặc biệt khác cần bảo vệ người chưa thành niên.
4. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kịp thời đề nghị các cơ quan báo chí, thông tấn không đăng tải, gỡ các thông tin, hình ảnh liên quan đến vụ việc, vụ án ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng.
5. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ thông tin cá nhân, danh dự, nhân phẩm của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng bị phát tán trên không gian mạng.
6. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan xử lý theo thẩm quyền đối với người cố tình phát tán, truyền đưa thông tin cá nhân của người chưa thành niên là bị hại trong các vụ việc, vụ án xâm hại người chưa thành niên, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của họ.
Điều 156. Lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra
1. Việc lấy lời khai người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra, truy tố, nơi cư trú hoặc nơi học tập, nơi làm việc, nơi sinh hoạt của người đó hoặc cơ sở chăm sóc người chưa thành niên. Ưu tiên địa điểm lấy lời khai tại nơi cư trú của họ. Trường hợp lấy lời khai của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng tại nơi tiến hành điều tra, truy tố thì phải sắp xếp, bố trí phòng lấy lời khai bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của họ.
Trường hợp cần thiết, việc lấy lời khai của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng có thể được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
2. Khi tiến hành lấy lời khai người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có thái độ thân thiện, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi, giới tính, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành, đặc điểm riêng về hoàn cảnh gia đình, tình trạng tâm lý, sức khỏe và những đặc điểm khác của người chưa thành niên.
3. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải hạn chế tối đa số lần lấy lời khai của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng và chỉ lấy lời khai khi thực sự cần thiết để phục vụ hoạt động tố tụng.
4. Không hỏi người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng nhiều lần về cùng một nội dung. Việc lấy lời khai không quá 02 lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ việc, vụ án có nhiều tình tiết phức tạp. Việc lấy lời khai phải tạm dừng ngay khi người chưa thành niên có biểu hiện mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.
5. Khi tiến hành lấy lời khai, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể sử dụng sơ đồ, mô hình, thiết bị điện tử hoặc công cụ khác để hỗ trợ việc lấy lời khai người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng.
6. Không tiến hành đối chất giữa người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng với người bị buộc tội, trừ trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án.
Khi tiến hành đối chất, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bố trí cho người tham gia đối chất ngồi ở phòng cách ly và sử dụng thiết bị điện tử, màn che hoặc các biện pháp bảo vệ khác để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của người chưa thành niên.
Việc đối chất đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng chỉ được tiến hành 01 lần trong một ngày và không quá 02 giờ. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tạm dừng ngay việc đối chất khi bị hại, người làm chứng có biểu hiện mệt mỏi, căng thẳng.
7. Người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng có quyền từ chối tham gia vào hoạt động thực nghiệm điều tra, nếu hoạt động đó có thể làm tổn thương tâm lý, tinh thần của họ.
8. Việc lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra phải có mặt của người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
9. Khi lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên mặc trang phục phù hợp, không mặc trang phục Công an nhân dân, Kiểm sát nhân dân.
Điều 157. Xem xét dấu vết trên thân thể, trưng cầu giám định
1. Việc xem xét dấu vết trên thân thể của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng phải có sự tham gia của người đại diện của họ.
Trường hợp cần thiết có thể mời bác sỹ tham gia việc xem xét dấu vết trên thân thể của người chưa thành niên là bị hại. Việc khám bộ phận sinh dục của người chưa thành niên là bị hại phải do bác sỹ thực hiện.
2. Bảo đảm thời gian xem xét dấu vết trên thân thể người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng được tiến hành nhanh nhất.
3. Chỉ được trưng cầu giám định hoặc lấy mẫu trên cơ thể đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng nếu có căn cứ cho rằng việc đó là cần thiết để giải quyết vụ việc, vụ án. Khi tiến hành việc giám định và lấy mẫu trên cơ thể phải tôn trọng quyền riêng tư của người chưa thành niên.
4. Đối với những vụ việc, vụ án phạm tội quả tang hoặc diễn ra vừa kết thúc thì bị phát hiện hoặc có căn cứ, tài liệu xác định có hành vi xâm hại người chưa thành niên hoặc thuộc các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cơ quan đang thụ lý vụ việc, vụ án phải tiến hành trưng cầu giám định trong thời hạn 24 giờ kể từ khi có căn cứ. Trường hợp cần phải đưa bị hại đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sơ cứu, cấp cứu, cơ quan đang thụ lý vụ việc, vụ án phải phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thu mẫu giám định.
Điều 158. Hạn chế tiếp xúc với bị cáo
1. Hội đồng xét xử phải hạn chế việc tiếp xúc giữa người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng với bị cáo khi họ trình bày lời khai tại phiên tòa.
2. Trong quá trình xét xử vụ án, Hội đồng xét xử phải cách ly người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng với bị cáo trong trường hợp sau đây:
a) Vụ án có người chưa thành niên là bị hại bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán;
b) Vụ án có bị hại là người dưới 10 tuổi;
c) Vụ án khác có yêu cầu của người chưa thành niên hoặc người đại diện của họ và Hội đồng xét xử xét thấy cần phải cách ly để bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên.
1. Hạn chế việc triệu tập người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng tham gia phiên tòa nếu không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa sử dụng lời khai của họ trong hồ sơ vụ án hoặc áp dụng các biện pháp thay thế khác để xét xử vụ án.
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể quyết định xét xử trực tuyến theo quy định của pháp luật để người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng tham gia phiên tòa tại điểm cầu thành phần.
2. Trường hợp người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng tham gia phiên tòa thì bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử; trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải bố trí khu vực ngăn cách với bị cáo.
3. Khi xét xử phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Khi xét hỏi, câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, dùng ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi, giới tính, khả năng nhận thức và mức độ trưởng thành của người chưa thành niên, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc. Việc xét hỏi cần chú ý đặc điểm riêng về hoàn cảnh gia đình, tình trạng tâm lý, sức khỏe và những đặc điểm khác của họ;
b) Trường hợp cần thiết, có thể sử dụng sơ đồ, mô hình cơ thể, thiết bị điện tử hoặc công cụ khác để hỗ trợ người chưa thành niên trả lời câu hỏi. Không được yêu cầu người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng chỉ vào bộ phận trên cơ thể của họ;
c) Không hỏi những câu mang tính công kích, đe dọa, làm xấu hổ hoặc xúc phạm người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng.
4. Người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng được tạo điều kiện để làm quen, tiếp xúc với quy trình và thủ tục xét xử.
5. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều này.
Điều 160. Bồi thường cho người chưa thành niên là bị hại
1. Việc xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
2. Việc bồi thường cho người chưa thành niên là bị hại phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời.
3. Trường hợp người chưa thành niên là bị hại bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe cần phải cứu chữa kịp thời nhưng người bồi thường chưa thể thực hiện bồi thường ngay thì có thể sử dụng kinh phí từ Quỹ Bảo Trợ trẻ em cho họ. Người có nghĩa vụ bồi thường phải thực hiện hoàn trả Quỹ theo quy định.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này.
Điều 161. Hỗ trợ chăm sóc phục hồi cho người chưa thành niên là bị hại
1. Bị hại là người dưới 16 tuổi có quyền được hỗ trợ và can thiệp theo quy định của Luật Trẻ em.
2. Bị hại là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền được bố trí nơi tạm trú an toàn, được tư vấn tâm lý, điều trị y tế, trợ giúp pháp lý, đào tạo kỹ năng, chăm sóc thay thế và hoạt động hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Địa chỉ: 3E ngõ 134 phố Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338