Cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng rất nhiều quan hệ có yếu tố nước ngoài phát sinh như quan hệ dân sự, lao động, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài. Khi các bên chủ thể hoặc cơ quan nhà nước áp dụng pháp luật nước ngoài sẽ phải tuân thủ những nội dung nhất định. Xác định pháp luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp đối với các quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài là một trong những yếu tố quan trọng giúp giải quyết tranh chấp bởi các quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài sẽ có thể xảy ra những xung đột pháp luật gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp; nên việc xác định pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài sẽ được xác định dựa trên một số quy định, nguyên tắc nhất định, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận trước về luật áp dụng.
Tại Điều 686 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc thực hiện công việc không có ủy quyền. Theo đó, các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc thực hiện công việc không có ủy quyền. Trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi thực hiện công việc không có ủy quyền.
Theo quy định thì khi một người không thể tự mình thực hiện công việc nào đó sẽ nhờ người khác thực hiện thay mình, thông qua hình thức ủy quyền; người được ủy quyền có nghĩa vụ phải thực hiện công việc được ủy quyền. Tuy nhiên có những trường hợp mặc dù không có ủy quyền, nhưng một người vẫn thực hiện công việc thay cho người khác một cách tự nguyện và vì lợi ích của người có công việc đó. Trong tư pháp quốc tế khi quan hệ về thực hiện công việc không có ủy quyền có yếu tố nước ngoài phát sinh làm phát sinh xung đột pháp luật.
Quy định tại Điều 686 Bộ luật Dân sự năm 2015 các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật để điều chỉnh quan hệ; bản chất của thực hiện công việc không có ủy quyền là dựa trên ý chí tự nguyện, mong muốn của chủ thể; nên thỏa thuận của các bên được ưu tiên áp dụng. Ví dụ: T và L là bạn thân. T vay ngân hàng VIB 500 triệu đồng, để kinh doanh. Đến hạn trả lãi, do T làm ăn thua lỗ không có tiền trả cho ngân hàng, L tự nguyện đứng ra trả thay cho T trong nhiều tháng liên tiếp. Sau một thời gian, do xảy ra mâu thuẫn, mà L yêu cầu T phải trả lại toàn bộ số tiền lãi mà L đã thay T trả cho ngân hàng và một khoản chi phí cho việc L đã thanh toán tiền lãi hộ T. Theo thỏa thuận của hai bên thì pháp luật Việt Nam được áp dụng để giải quyết tranh chấp trên.
Song trên thực tế khi xảy ra tranh chấp các bên khó có thể đi đến một thỏa thuận, thống nhất chung; nên pháp luật đã dự liệu nếu các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi thực hiện công việc không có ủy quyền. Công việc được thực hiện không ủy quyền xảy ra ở đâu thì pháp luật ở đó được áp dụng để điều chỉnh quan hệ; thường thì khi phát sinh một sự kiện thì địa điểm nơi xảy ra sự kiện đó, sẽ là nơi phát sinh nhiều vấn đề nhất.
Trong quan hệ thực hiện công việc không có ủy quyền thường liên quan đến quyền, nghĩa vụ của bên thứ ban. Nên việc áp dụng luật nơi xảy ra vụ việc là nơi có liên quan trực tiếp đến quan hệ, quá trình giải quyết diễn ra thuận lợi hơn, nhanh hơn. Cũng trong ví dụ nêu trên, trong trường hợp T và L không thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng, thì căn cứ theo quy định của Điều 686 Bộ luật Dân sự năm 2015 pháp luật Việt Nam (nơi thực hiện công việc không có ủy quyền) sẽ được áp dụng để giải quyết vụ việc.
Điều 686. Thực hiện công việc không có ủy quyền
Các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc thực hiện công việc không có ủy quyền. Trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi thực hiện công việc không có ủy quyền.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338