Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tại Điều 410 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc thực hiện hợp đồng song vụ. Theo đó, trong hợp đồng song vụ, khi các bên đã thỏa thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn; không được hoãn thực hiện với lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 411 và Điều 413 của Bộ luật Dân sự. Trường hợp các bên không thỏa thuận bên nào thực hiện nghĩa vụ trước thì các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau; nếu nghĩa vụ không thể thực hiện đồng thời thì nghĩa vụ nào khi thực hiện mất nhiều thời gian hơn thì nghĩa vụ đó phải được thực hiện trước.
Khác với hợp đồng đơn vụ, chỉ một bên chủ thể có nghĩa vụ thì trong hợp đồng song vụ, các bên trong hợp đồng đều có nghĩa vụ đối với nhau. Các bên trong hợp đồng song vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình đúng thời hạn như đã thỏa thuận, không được hoãn thực hiện vì lý do của bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ quy định tại Điều 411 Bộ luật dân sự 2015 và nghĩa vụ không thực hiện được do lỗi của một bên quy định tại Điều 413 Bộ luật Dân sự 2015 là hai trường hợp ngoại lệ đối với việc thực hiện không đúng thời hạn của các bên trong hợp đồng song vụ.
Việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ được tiến hành như sau: Theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng: các bên có thể thỏa thuận về việc thực hiện đồng thời nghĩa vụ hoặc thực hiện trước sau; Trong trường hợp các bên không thỏa thuận, để đảm bảo tính công bằng giữa các chủ thể, thì nghĩa vụ của các bên được thực hiện đồng thời, việc thực hiện đồng thời được hiểu là các bên cùng thực hiện nghĩa vụ trong một khoảng thời gian nhất định; Trường hợp nghĩa vụ không thể thực hiện đồng thời thì nghĩa vụ nào thực hiện mất nhiều thời gian hơn thì nghĩa vụ đó phải được thực hiện trước.
Trước khi hợp đồng được giao kết, các bên đã thỏa thuận và thống nhất với nhau các nội dung liên quan đến hợp đồng, trong đó bao gồm cả nội dung và thời hạn thực nghĩa vụ. Pháp luật quy định các bên phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn đã thỏa thuận. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ là quãng thời gian do các bên thỏa thuận, các bên phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ khi đến hạn. Khi thỏa thuận thời hạn, các bên đã xác định được lợi ích của mình chỉ được đảm bảo khi nghĩa vụ được thực hiện khi đến thời hạn đó. Chính vì vậy, để bảo vệ lợi ích hợp pháp đối phương, mỗi bên phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn. Bên nào thực hiện nghĩa vụ không đúng với thời hạn đã thỏa thuận thì bị xem là vi phạm và phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
Vì thế một bên không được lấy lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ để hoãn nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, ngoại lệ đối với trường hợp sau một bên vẫn có thể hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình: Bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ, nếu khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên kia đã bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Bên phải thực hiện nghĩa vụ sau có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ đến hạn nếu bên thực hiện nghĩa vụ trước chưa thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn. Bên không thực hiện nghĩa vụ được hoàn toàn do lỗi của bên kia, thì có quyền yêu cầu bên kia vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ được tiến hành như sau: Theo thỏa thuận của các bên. Các bên có quyền thỏa thuận bên nào thực hiện nghĩa vụ trước, bên nào thực hiện nghĩa vụ sau. Nếu đã có thỏa thuận, thì các bên thực hiện theo thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận thì đồng thời thực hiện. Thông thường, các bên sẽ thỏa thuận về việc ai thực hiện nghĩa vụ trước, tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc mọi hợp đồng được xác lập đề thỏa thuận trước về vấn đề đó. Lường trước được vấn đề, pháp luật đã quy định nếu không có thỏa thuận thì các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ với nhau. Trên hết, pháp luật vẫn luôn tôn trọng nguyên tắc tự do thỏa thuận của các chủ thể khi tham gia xác lập giao dịch dân sự. Nên ưu tiên áp dụng ý chí của các bên trong giải quyết vấn đề, nếu không có thỏa thuận thì quy định pháp luật mới được áp dụng, đồng thời quy định như vậy cũng đảm bảo được tính công bằng giữa các chủ thể. Không có thỏa thuận mà nghĩa vụ trong hợp đồng không thể được thực hiện cùng lúc.
Trong trường hợp này việc xác định nghĩa vụ nào thực hiện trước, nghĩa vụ nào thực hiện sau phụ thuộc vào thời gian thực hiện nghĩa vụ đó. Theo đó, nghĩa vụ nào khi thực hiện mất nhiều thời gian hơn thì phải thực hiện trước. Quy định này nhằm tiết kiệm thời gian thực hiện nghĩa vụ cho các bên, việc thực hiện trước, sau thực chất chỉ cách nhau một quãng thời gian ngắn nhất có thể, để đảm bảo rằng các bên đều nhận được quyền lợi tương đương mà không phải chờ đợi quá lâu. Nếu nghĩa vụ có thời gian thực hiện dài hơn mà thực hiện sau, thì bên này đã nhận được quyền lợi của mình, nhưng bên kia sẽ phải chờ rất lâu cho đến khi nghĩa vụ hoàn thành. Điều đó dẫn đến, bên đã nhận được quyền lợi trước lạm dụng thời hạn thực hiện nghĩa vụ lâu hơn mà kéo dài thời gian, không muốn đáp ứng lại lợi ích cho bên kia.
Bên cạnh đó, khi giao kết hợp đồng song vụ trường hợp các bên không thỏa thuận bên nào thực hiện nghĩa vụ trước thì các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau. Trường hợp nghĩa vụ không thể thực hiện đồng thời thì nghĩa vụ nào khi thực hiện mất nhiều thời gian hơn thì nghĩa vụ đó phải được thực hiện trước. Trong hợp đồng song vụ cần nêu rõ các vấn đề về phạt khi các bên không thực hiện nghĩa vụ của mình. Mức phạt vi phạm hợp đồng do các bên tự thỏa thuận (trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác). Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nếu các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Điều 410. Thực hiện hợp đồng song vụ
1. Trong hợp đồng song vụ, khi các bên đã thỏa thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn; không được hoãn thực hiện với lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 411 và Điều 413 của Bộ luật này.
2. Trường hợp các bên không thỏa thuận bên nào thực hiện nghĩa vụ trước thì các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau; nếu nghĩa vụ không thể thực hiện đồng thời thì nghĩa vụ nào khi thực hiện mất nhiều thời gian hơn thì nghĩa vụ đó phải được thực hiện trước.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338