Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản. Hợp đồng hợp tác ra đời trên cơ sở thỏa thuận của các bên.
Bản chất của hợp đồng hợp tác là sự liên kết của các thành viên hợp tác cùng thực hiện một công việc. Để thực hiện công việc này, mỗi thành viên có thể thỏa thuận đóng góp một phần tài sản và cùng tạo lập khối tài sản chung theo phần của các thành viên. Tài sản đóng góp có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá hoặc quyền tài sản. Giống như các hợp đồng dân sự khác, hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên tham gia. Các bên thỏa thuận nội dung cơ bản trong hợp đồng, quy định đối tượng, mục đích cũng như quyền và nghĩa vụ của chủ thể. Điểm đặc trưng trong hợp đồng hợp tác là quyền và nghĩa vụ của các bên không đối lập nhau. Các chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác thường có quyền, nghĩa vụ như nhau.
Tại Điều 509 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trách nhiệm dân sự của thành viên hợp tác. Theo đó, các thành viên hợp tác chịu trách nhiệm dân sự chung bằng tài sản chung; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung thì thành viên hợp tác phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng theo phần tương ứng với phần đóng góp của mình, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác hoặc luật có quy định khác. Cụ thể việc thực hiện trách nhiệm dân sự của các thành viên như sau:
Trách nhiệm dân sự được thực hiện bằng tài sản chung, hợp đồng hợp tác được hình thành dựa trên sự đóng góp của các thành viên, cùng tạo lập hoặc được thừa kế chung, được tặng cho chung. Những tài sản đó tạo nên một khối tài sản chung, theo đó, các thành viên cùng nhau sử dụng, thực hiện công việc thông qua khối tài sản này. Tài sản này không chỉ là nguồn phục vụ cho việc thực hiện công việc hợp tác như sản xuất, kinh doanh, mà còn là nguồn tài sản dùng để chịu trách nhiệm nếu gây nên thiệt hại cho người thứ ba. Thành viên có vốn góp càng nhiều thì quyền lợi họ nhận được càng lớn, lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh càng cao, trách nhiệm mà họ phải chịu đương nhiên sẽ càng lớn.
Nếu tài sản chung không đủ để chịu trách nhiệm dân sự, nếu thiệt hại mà nhóm hợp tác gây ra cho bên bên thứ ba có thể là rất lớn mà khối tài sản chung của các thành viên có thể không đủ để chịu trách nhiệm dân sự. Để bảo vệ lợi ích cho bên thứ ba và buộc nhóm hợp tác phải hoàn thành trách nhiệm của mình, pháp luật đã quy định các thành viên phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng tương ứng với phần vốn góp của mình, phần trách nhiệm còn thiếu sau khi đã thực hiện bằng tài sản chung sẽ được chia cho các thành viên, mỗi thành viên phải dùng tài sản riêng của mình để bù vào, phần bù thêm của mỗi thành viên được xác định theo tỷ lệ vốn góp của họ, phần vốn góp tỷ lệ thuận với phần phải bù thêm. Vì nhóm các thành viên hợp tác không phải là một tổ chức kinh tế, nên trách nhiệm của họ là vô hạn, quy định này mang tính chất định hướng, cân bằng lợi ích của tất cả các bên, cả các thành viên hợp tác và người thứ ba.
Nhóm hợp tác có thể thực hiện theo quy định này hoặc có thể có thỏa thuận khác về việc chịu trách nhiệm dân sự của các thành viên mà vẫn được pháp luật công nhận và bảo vệ. Thỏa thuận khác của các thành viên hợp tác phải được ghi nhận trong nội dung của hợp đồng hợp tác. Trường hợp luật có quy định khác thì ưu tiên áp dụng.
Điều 509. Trách nhiệm dân sự của thành viên hợp tác
Các thành viên hợp tác chịu trách nhiệm dân sự chung bằng tài sản chung; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung thì thành viên hợp tác phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng theo phần tương ứng với phần đóng góp của mình, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác hoặc luật có quy định khác.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338