Luật sư Hà Thị Khuyên
Thông tin từ báo chí, theo kết luận của UBND quận Tây Hồ, bà B đã có hành vi tiếp phụ huynh học sinh để nhận tuyển sinh trái tuyến tại phòng làm việc riêng. Liên quan đến vụ nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học PT (quận Tây Hồ, Hà Nội) L.T.B bị tố giác tội phạm về một số hành vi vi phạm trong thời gian còn công tác, trước đó UBND quận Tây Hồ đã có kết luận về nội dung tố cáo bà B đã có "Vi phạm quy chế tuyển sinh trong năm học 2021-2022". Cụ thể, theo nội dung tố cáo, trong thời gian tuyển sinh, bà Bính đã tiếp phụ huynh học sinh để nhận tuyển sinh trái tuyến tại phòng làm việc riêng, không thực hiện tuyển sinh theo đúng trình tự thủ tục, không đúng nhiệm vụ, vi phạm quy chế tuyển sinh năm 2021-2022. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết, sau quá trình xác minh, kiểm tra, UBND quận kết luận nội dung tố cáo là có cơ sở, là tố cáo đúng. Vì vậy, UBND quận Tây Hồ đã có quyết định kỷ luật bà B với hình thức Khiển trách. (Link thông tin https://dantri.com.vn/xa-hoi/ky-luat-cuu-hieu-truong-truong-cap-1-vi-tiep-phu-huynh-tai-phong-rieng-20230601163549395.htm)
Phóng viên hỏi luật sư: Vị nguyên hiệu trưởng vi phạm đạo đức nhà giáo và nhận tiền để tuyển sinh trái tuyến sẽ bị xử lý ra sao?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên - Văn phòng Luật sư Nhân Chính cho biết, hiện nay các ngành và lĩnh vực cụ thể ngoài quy định pháp luật, thì người hành nghề còn chịu sự điều chỉnh bởi bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Hiện nay quy định về đạo đức nhà giáo được điều chỉnh tại “Quy định về đạo đức nhà giáo” ban hành kèm theo Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối chiếu quy định về đạo đức nhà giáo tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Quyết định 16/2008/BGDĐT thì vi phạm đạo đức nhà giáo bao gồm vi phạm về “Phẩm chất chính trị; Đạo đức nghề nghiệp; Lối sống tác phong; Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo”. Người vi phạm tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật về mặt Đảng, kỷ luật về mặt hành chính đối với viên chức giáo dục, trình tự và chế tài xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, đối với viên chức quản lý các hình thức kỷ luật là “Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc”, viên chức bị kỷ luật bằng một trong các hình thức vừa nêu còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, trường hợp này cơ quan chức năng sẽ xem xét có việc vi phạm đạo đức hay không? Nếu vi phạm đạo đức thì hành vi vi phạm là hành vi nào? Những hành vi này xảy ra từ thời điểm nào? Hành vi vi phạm này gây thiệt hại như thế nào? Để từ đó có căn cứ xử lý vi phạm của vị nguyên hiệu trưởng này theo quy định pháp luật và quy định của ngành giáo dục.
Còn đối với hành vi nhận tiền để tuyển sinh trái tuyến, cơ quan chức năng sẽ làm rõ số tiền nhận là bao nhiêu, nhận bao nhiêu lần, nhận của ai và thỏa thuận nhận tiền để làm công việc gì… các hành vi này thể hiện qua các tài liệu, chứng cứ nào. Từ đó nhằm xác định động cơ, mục đích hành vi của vị nguyên hiệu trưởng. Bởi hành vi “nhận tiền để tuyển sinh trái tuyến” là việc làm mà pháp luật nghiêm cấm, có dấu hiệu của tội Nhận hối lộ quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với người có chức vụ quyền hạn, nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên thì hình phạt người phạm tội phải đối mặt từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Hiện nay pháp luật quy định Tội nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích (vật chất hoặc phi vật chất khác) dưới bất kỳ hình thức nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người khác hoặc cho tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vi lợi ích hay theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Trường hợp nếu xử lý vị nguyên hiệu trưởng về Tội nhận hối lộ, rất có thể cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét đến hành vi đưa hối lộ của những người liên quan theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015, tội danh này quy định người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338