Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Thông tin từ báo chí, ngày 30/9/2023, Công an huyện Định Quán (Đồng Nai) đang tiếp tục điều tra vụ "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" xảy ra tại quốc lộ 20 giữa xe Thành Bưởi và xe 16 chỗ khiến 04 người chết, nhiều người bị thương. (Link thông tin https://tuoitre.vn/cong-an-xac-dinh-tai-xe-xe-thanh-buoi-vuot-trai-gay-tai-nan-chet-4-nguoi-20230930103519779.htm?)
Phóng viên hỏi luật sư: Trách nhiệm pháp lý của tài xế và nhà xe là gì trong vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng này?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, vụ tai nạn giữa xe khách giường nằm và xe 16 chỗ khiến 4 người chết tại chỗ ở Đồng Nai là vụ tai nạn rất nghiêm trọng, qua dữ liệu camera cho thấy vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm, thời tiết có mưa và tốc độ của xe khách lưu thông khá nhanh, tài xế xe khách vượt xe tải đi cùng chiều phía trước khi không đủ an toàn, do chạy với tốc độ cao khi vượt đã đâm vào đuôi phải xe tải phía trước dẫn tới chiếc xe khách lao sang làn đường ngược chiều đúng lúc đó xe khách 16 chỗ lao đến và va chạm liên hoàn xảy ra khiến tài xế và nhiều hành khách tử vong, bị thương.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì khi điều khiển phương tiện giao thông tài xê phải chú ý quan sát, giữ tốc độ phù hợp, giữ khoảng cách với xe phía trước và chú ý quan sát, đi đúng làn đường và đặc biệt chỉ được vượt xe khác khi có đủ điều kiện an toàn, phía làn đường ngược chiều không có xe đang đi đến (xe 16 chỗ đang đi đến), không vượt xe ở vị trí khuất tầm nhìn. Vì vậy qua quan sát có thể thấy yếu tố lỗi xuất phát từ tài xế xe khách. Vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ hậu quả chết người, thiệt hại tài sản nên cơ quan công an sẽ khởi tố vụ án hình sự và xem xét hành vi của tài xế xe khách theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, vụ tai nạn làm chết 04 người chết rất có thể tài xế xe khách sẽ phải đối diện khung hình phạt từ 07 đến 15 năm.
Hậu quả khiến 4 người chết và nhiều người bị thương, phương tiện hư hỏng nặng thì ngoài trách nhiệm hình sự thì trách nhiệm dân sự cũng sẽ được đặt ra. Nếu tài xế là người của công ty xe khách thì về nguyên tắc pháp nhân phải bồi thường một cách kịp thời do người của mình gây ra, sau đó yêu cầu tài xế thực hiện nghĩa vụ bồi thường lại cho công ty sau theo quy định tại Điều 600 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Khoản bồi thường cho người thiệt hại về tính mạng được quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015, gồm thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật dân sự; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định.
Khoản bồi thường cho người bị xâm phạm về sức khoẻ phải đi cấp cứu được quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015, gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Khoản bồi thường cho người có phương tiện (tài sản) bị hư hỏng thiệt hại được quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Những khoản bồi thường trên được thực hiện theo quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, xác định yếu tố lỗi, xác định hành vi vi phạm, thiệt hại thực tế xảy ra có quan hệ nhân quả. Ban đầu phía nhà xe cần thực hiện trách nhiệm bồi thường nhanh chóng cho các bên bị thiệt hại và yêu cầu phía tài xế bồi thường sau để đảm bảo việc bồi thường cho các nạn nhân được nhanh chóng và kịp thời.
Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338