Language:
Trách nhiệm pháp lý vụ tiến sĩ bị cáo buộc trộm cắp tài sản?
11/07/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Thông tin báo chí, do nợ nần số tiền lớn, tối 23/6/2023, nghi can H chuẩn bị máy cắt khóa, búa, tuốc nơ vít để ở phòng làm việc. Khuya cùng ngày, lợi dụng trời mưa to, khu nhà không có người qua lại vì cơ quan đang đi sự kiện ở Sầm Sơn, Hà đến trường, lén phá khóa cửa phòng kế toán lấy trộm gần 130 triệu đồng và một máy tính xách tay. (Link thông tin https://vnexpress.net/tien-si-38-tuoi-trom-tien-trong-truong-dai-hoc-4627571.html?)

Phóng viên hỏi luật sư: Trách nhiệm pháp lý đối tượng phải đối mặt ra sao?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, việc cán bộ cơ quan lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt tài sản của cơ quan không phải quá hiếm gặp, song nó lại xảy ra trong chính môi trường giáo dục, hành vi không phải là lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, mà là thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, ngoài việc đánh giá tính chất, mức độ và hậu quả hành vi phạm tội, cơ quẩn điều tra cũng cần xác định nguyên nhân, động cơ mục đích của người này, nhằm thực hiện biện pháp đấu tranh phòng ngừa chung.

Việc chiếm đoạt tài sản một cách lén lút, có sự chuẩn bị máy cắt khóa, búa, tuốc nơ vít để ở phòng làm việc, lợi dụng trời mưa to, khu nhà không có người qua lại vì cơ quan đang đi sự kiện ở Sầm Sơn, nên đối tượng đến trường, lén phá khóa cửa phòng kế toán lấy trộm gần 130 triệu đồng và một máy tính xách tay. Hành vi này có dấu hiệu của Tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Việc thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản, mà tài sản chiếm đoạt trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trộm cắp tài sản. Trong vụ án này cơ quan điều tra sẽ tiến hành định giá tài sản mà đối tượng trộm cắp là chiếc máy tính để cộng dồn vào số tiền 130 triệu để làm căn cứ xử lý đối tượng trước pháp luật, nếu tài sản trộm cắp có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì đối tượng sẽ đối mặt với khung hình phạt từ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm quy định tại khoản 1, Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Còn nếu tài sản trộm cắp từ 50 đến dưới 200 triệu đồng, đối tượng có thể đối mặt với khung hình phạt tù từ 2 đến 7 năm theo quy định tại khoản 2, Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Pháp luật quy định Tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người quản lý. Dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản là dấu hiệu hành vi chiếm đoạt tài sản cùng với hai dấu hiệu khác thể hiện tính chất của hành vi chiếm đoạt và tính chất của đối tượng bị chiếm đoạt - dấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có người quản lý. Tội phạm này xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản. 

Tội trộm cắp tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ đó là tài sản thuộc sở hữu của người khác chứ không phải tài sản vô chủ, nhận thức rõ việc mình chiếm đoạt tài sản đó là vi phạm pháp luật nhưng vẫn mong muốn thực hiện và mong muốn chiếm đoạt được tài sản.

Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Tài sản là bảo vật quốc gia;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338