Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Trách nhiệm dân sự được hiểu là trách nhiệm pháp lý mang tính tài sản được áp dụng đối với người vi phạm pháp luật dân sự nhằm bù đắp về tổn thất vật chất, tinh thần cho người bị hại. Trách nhiệm dân sự bao gồm buộc xin lỗi, cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự, buộc bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; Không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Tại Điều 352 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ.
Theo quy định trên thì đây là trách nhiệm mà bên vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu khi không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận, thì bên có quyền có thể yêu cầu họ thực hiện tiếp tục nghĩa cụ đó. Quy định này mang tính bao quát, và giúp bảo vệ lợi ích của bên mang quyền một cách tốt nhất, bởi lẽ trong quan hệ nghĩa vụ việc thực hiện nghĩa vụ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của bên mang quyền. Khi xác lập giao dịch với nhau, lợi ích là điều mà các bên đều hướng tới, mà để đáp ứng lợi ích của một bên hoàn toàn phụ thuộc vào việc thực hiện nghĩa vụ của bên còn lại. Do đó khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ một cách đầy đủ cũng là lúc đáp ứng quyền lợi của bên có quyền một cách trọn vẹn nhất. Bên cạnh đó, đối với loại trách nhiệm này, bên có nghĩa vụ chỉ cần thực hiện nghĩa vụ còn thiếu, mà không cần phải bồi thường, bên có quyền cũng không cần chứng minh thiệt hại xảy ra.
Trách nhiệm thực hiện tiếp nghĩa vụ chỉ có thể được áp dụng khi nghĩa vụ đó vẫn có thể tiếp tục thực hiện được như đối tượng của nghĩa vụ vẫn tồn tại hoặc bên có nghĩa vụ có khả năng thực hiện công việc là đối tượng của nghĩa vụ. Bên cạnh đó, việc bên có nghĩa vụ có thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nữa hay không một phần phụ thuộc vào ý chí của bên có quyền. Theo đó, nếu bên có quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ mới cần tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Nếu bên có quyền đã yêu cầu tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, mà bên có nghĩa vụ vẫn không chịu thực hiện nghĩa vụ, thì bên có quyền có thể yêu cầu Tòa án, hoặc cơ quan có thẩm quyền khác buộc bên có nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ để đáp ứng lợi ích của mình bằng biện pháp cưỡng chế. (Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ, 2017, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Công an nhân dân).
Điều 352. Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ
Khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338