Hiện nay có nhiều lý do khác nhau mà một cá nhân hay pháp nhân không thể tham gia các quan hệ dân sự mà họ phải nhờ người khác giúp mình thể hiện ý chí và nguyện vọng với chủ thể khác. Để giúp cho các giao dịch dân sự diễn ra bình thường pháp luật cho phép hình thành hợp đồng ủy quyền giữa bên ủy quyền và bên dược ủy quyền, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Theo quy định pháp luật thì hợp đồng ủy quyền làm phát sinh hai mối quan hệ pháp lý cùng tồn tại song song với nhau, đó là (1) quan hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền; trong quan hệ này, bên được ủy quyền thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền trong phạm vi thẩm quyền theo các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định; (2) quan hệ giữa người được ủy quyền và người thứ ba; người thứ ba là người xác lập giao dịch dân sự với người được ủy quyền; bên được ủy quyền nhân danh bên ủy quyền tham gia xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với bên thứ ba. Bên được ủy quyền có quyền và nghĩa vụ nhất định với người thứ ba của giao dịch. Mục đích của việc ủy quyền là giúp thực hiện công việc của bên ủy quyền. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà bên được ủy quyền không thể thực hiện được công việc đã được giao phó. Trong trường hợp đó, pháp luật cho phép bên bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác.
Tại Điều 564 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc ủy quyền lại. Theo đó, bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp: Có sự đồng ý của bên ủy quyền; do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu. Cụ thể:
Ủy quyền lại phải có sự đồng ý của bên ủy quyền, việc thay đổi người xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải có sự đồng ý của bên ủy quyền, nhiều công việc ủy quyền không phải chủ thể nào cũng có thể thực hiện, có những công việc đòi hỏi chủ thể phải có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật, năng lực thì mới có thể hoàn thành. Vì thế bên ủy quyền dựa trên lợi ích của chính mình xem xét về việc chủ thể được ủy quyền lại có đáp ứng được nhu cầu thực hiện công việc hay không, từ đó đưa ra quyết định cuối cùng, trường hợp bên ủy quyền không đồng ý thì bên được ủy quyền vẫn phải tiếp tục thực hiện công việc của mình.
Ủy quyền lại do sự kiện bất khả kháng, trường hợp bên được ủy quyền rơi vào tình trạng bất khả kháng không thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của bên ủy quyền, như vậy sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của bên ủy quyền nên bắt buộc phải ủy quyền lại cho người thứ ba thực hiện. Sự kiện bất khả kháng là khi xác lập hợp đồng ủy quyền tại thời điểm xác lập hợp đồng ủy quyền các bên không thể biết trước được, lúc này dù không mong muốn nhưng bắt buộc bên được ủy quyền vẫn phải ủy quyền lại cho bên thứ ba thực hiện. Khi xảy sự kiện bất khả kháng khiến cho bên được ủy quyền không thể thực hiện các hành vi pháp lý theo thỏa thuận thì các bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng ủy quyền và bên ủy quyền tìm kiếm người được ủy quyền mới. Nhưng bên ủy quyền cũng không có điều kiện để ủy quyền cho người thứ khác. Vậy nên, với trách nhiệm của mình, bên được ủy quyền giúp bên ủy quyền tìm một người khác đáng tin cậy để ủy quyền lại.
Phạm vi ủy quyền lại, bên được ủy quyền chỉ được thực hiện công việc trong phạm vi đó, các giao dịch do người không có thẩm quyền thực hiện bị xem là vô hiệu; bản chất của ủy quyền lại là tìm người thay thế bên được ủy quyền ban đầu xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nhân danh và vì lợi ích của bên ủy quyền; không chỉ phạm vi ủy quyền mà tất cả các vấn đề liên quan đến cách thức thực hiện công việc đều được xác định tương ứng với phạm vi trong hợp đồng ủy quyền đầu tiên. Bên được ủy quyền lại chỉ được thực hiện công việc trong phạm vi hợp đồng ủy quyền ban đầu.
Hình thức hợp đồng ủy quyền lại, khi ủy quyền lại các bên phải xác lập hợp đồng làm cơ sở pháp lý ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên; hình thức của hợp đồng ủy quyền lại phụ thuộc vào hợp đồng ủy quyền ban đầu; cũng giống như những nội dung khác của hợp đồng, hình thức của hợp đồng ủy quyền lại phải có sự thống nhất với hợp đồng ủy quyền ban đầu, phải được lập thành văn bản có công chứng.
Điều 564. Ủy quyền lại
1. Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:
a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền;
b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.
2. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.
3. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338