Language:
Vật chia được và vật không chia được (Điều 111)
12/02/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Vật chia được và vật không chia được là gì?

 

Vật chia được là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu theo khoản 1 điều 111 Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

Vật không chia được là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu theo khoản 2 Điều 111 Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

Cũng theo quy định tại điều này thì khi cần phân chia vật không chia được thì phải trị giá thành tiền để chia.

 

Phân tích:

 

Điểm tương đồng và khác biệt giữa vật chia được và vật không chia được, điểm giống nhau đó là đều là những tài sản có giá trị và tính năng sử dụng, có thể chia được trị giá của của tài sản đó; điểm khác nhau đó là vật chia được khi chia nhỏ vật ra vẫn giữ nguyên được tính năng sử dụng, vật không chia được vì làm mất tính chất và tính năng sử dụng vốn có.

 

Điều 111 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về vật chia được và vật không chia được xuất phát từ đời sống thực tế. Một trong hai nhóm đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự là các quan hệ về tài sản mang tính chất hàng hóa - tiền tệ. Vật là tài sản theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự.

 

Trước hết, vật là một bộ phận của thế giới vật chất, tồn tại khách quan và vật được xác định là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Vật tồn tại khách quan dưới một trong ba trạng thái, xét về mặt vật lý là trạng thái rắn, lỏng và khí. Quy định về vật chia được và vật không chia được có ý nghĩa về mặt thực tế và nhằm phục vụ cho những trường hợp phân chia vật trong các quan hệ pháp luật dân sự.

 

Phổ biến nhất là phân chia vật giữa các chủ thể trong quan hệ tài sản như: Phân chia lợi nhuận, phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn, phân chia tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, phân chia di sản thừa kế, phân chia tài sản trong quan hệ sở hữu chung khi quan hệ này chấm dứt…

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 111 thì vật phân chia được là vật khi phân chia không làm thay đổi tính chất và tính năng sử dụng ban đầu. Như vậy, đối tượng phân chia là vật cùng loại hoặc vật đặc định. Xét theo tính chất thì vật là bất động sản và động sản nếu phân chia được thì phân chia khi có yêu cầu của chủ thể.

 

Phân chia động sản, phân chia vật cùng loại như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và tiền. Tiền không phải là vật, tuy nhiên, trong trường hợp phân chia tiền thì được hiểu là phân chia tài sản mà không phải là phân chia vật.

 

Phân chia bất động sản như phân chia một diện tích nhà, diện tích đất, phân chia rừng, vườn cây… trong các trường hợp diện tích nhà, diện tích đất, diện tích rừng, vườn cây trong trường hợp phải phân chia và phân chia được. Tuy nhiên, có những bất động sản và quyền sử dụng đất theo tính chất là có thể phân chia được, nhưng trong những hoàn cảnh cụ thể lại không thể phân chia. Theo quy định tại khoản 2 Điều 111, vật không chia được là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu.

 

Trên thực tế, khi cần chia một diện tích nhà, diện tích đất trong trường hợp chia tài sản chung hợp nhất của vợ chồng khi ly hôn, chia di sản thừa kế là nhà, diện tích đất cho nhiều người thừa kế, nhưng diện tích nhà hay diện tích đất quá nhỏ, nếu chia ra thành nhiều phần thì không thể sử dụng được. Ví dụ, di sản thừa kế có 50 mỏ đất, chia ra 10 suất thừa kế cho mười người hưởng thì trong trường hợp này diện tích đất 50 mo coi như không chia được.

 

Vì bình quân mỗi người 5 m, còn trừ đi diện tích của bức tường hay thanh chắn để khu biệt suất đất của mỗi người. Khi đó theo quy định tại khoản 2 Điều 111 là: “Khi cần chia vật không chia được thì phải trị giá thành tiền để chia".

 

Ví dụ: "Vàng là vật có chia được không", cụ thể: Căn cứ Điều 111 Bộ luật Dân sự 2015 thì Vật chia được và vật không chia được được định nghĩa như sau: Vật chia được là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu; Vật không chia được là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu; Khi cần phân chia vật không chia được thì phải trị giá thành tiền để chia. Như vậy, trong trường hợp đối với ta rất khó để xác định vàng là vật chia được hay không chia được. Ví dụ đối với 500gram vàng cám thì ta hoàn toàn có thể chia đều thành thành hai phần bằng nhau, vẫn đảm bảo giá trị ban đầu, thì là vật chia được. Tuy nhiên, nếu đối với vàng ở đây là trang sức như một cái vòng tay thì nếu ta chia nó ra làm đôi thì không thể đảm bảo được tính năng sử dụng ban đầu là dùng để đeo tay làm trang sức, thì là vật không chia được. Vì vậy, Vàng sẽ được xem là vật chia được nếu khi chia vẫn đảm bảo được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu, và ngược lại nếu khi phân chia mà vàng đó không giữ được tính chất tính năng sử dụng thì nó được xem là vật không chia được.

 

Điều 111. Vật chia được và vật không chia được

1. Vật chia được là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu.

2. Vật không chia được là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu.

Khi cần phân chia vật không chia được thì phải trị giá thành tiền để chia.

 

Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338