Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường
Thông tin từ cơ quan báo chí, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, trong quá trình công tác, bà L.T.D (51 tuổi, nguyên giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên) đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ. Quy chế này chưa được Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thông qua theo quy định và áp dụng bản quy chế này dẫn đến chi sai nguyên tắc, hưởng lợi số tiền gần 45 triệu đồng.
Cụ thể, tuy đã được thanh toán những nội dung như vị trí bí thư chi bộ; hỗ trợ học cao học và tập huấn, kiểm tra nhưng bà D vẫn tiếp tục quy đổi các nội dung này ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ (thanh toán lần 2) trong các năm 2015 với số tiền hơn 30,9 triệu đồng; năm 2016 hơn 13,8 triệu đồng. Bà D bị khởi tố bị can, bắt tạm giam từ ngày 28/3/2022 đến nay. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, sau khi xem xét vai trò của từng bị cáo trong vụ án, tòa tuyên phạt bị cáo L.T.D 5 năm tù theo quy định tại khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vứi tình tiết định khung phạm tội 02 lần trở lên. (Link thông tin https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/vu-45-trieu-dong-5-nam-tu-can-xem-xet-hanh-vi-hinh-su-hay-hanh-chinh-1187270.ldo)
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, theo nội dung vụ án thì hành vi vi phạm của bị cáo kéo dài nhiều năm, trong quá trình này thì cũng có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi bổ sung về cơ chế quản lý, về quy chế tài chính và các vấn đề có liên quan, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục thường xuyên như: Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo...
Bởi vậy, để giải quyết khách quan, toàn diện, đúng pháp luật vụ án này, tòa án cấp phúc thẩm cần kiểm tra rà soát tất cả các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các trung tâm Giáo dục thường xuyên để giải quyết vụ án một cách công bằng, đúng pháp luật. Trong trường hợp tại thời điểm sự việc xảy ra mà không có văn bản pháp luật quy định cụ thể là quy chế chi tiêu nội bộ phải có sự phê duyệt của sở giáo dục và đào tạo thì mới được tổ chức thực hiện thì hành vi của bị cáo không phạm tội. Đây là vấn đề quan trọng quyết định đến việc bị cáo có oan hay không oan.
Ngoài ra cũng cần xác định trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan trong trường hợp có căn cứ cho thấy quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, thông tin công khai cho các cơ quan chức năng và nhiều cơ quan cùng công nhận hiệu lực, tổ chức thực hiện quy chế này...
Về lý luận cấu thành tội phạm, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ được thực hiện với lỗi cố ý. Bởi vậy, để buộc tội bị cáo cơ quan tố tụng phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh bị cáo biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả thiệt hại cho nhà nước xảy ra, thiệt hại từ 10.000.000 đồng trở lên thì hành vi cấu thành tội phạm.
Theo nội dung trình bày tại phiên tòa, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng quy chế đã được xây dựng hợp lệ và việc chi tiêu thực hiện đúng quy chế, được công khai trước nhiều cơ quan chức năng. Bởi vậy, cơ quan tiến hành tố tụng cấp phúc thẩm cần làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của bị cáo khi thực hiện việc chi tiêu nội bộ này như thế nào, chứng cứ nào chứng minh bị cáo đã thực hiện hành vi với lỗi cố ý.
Trường hợp pháp luật chưa quy định rõ ràng, còn nhiều cách hiểu khác nhau thì không nên xử lý hình sự trong trường hợp này mà có thể áp dụng biện pháp xử lý khác để truy thu tài sản cho nhà nước, rút kinh nghiệm, tiến hành kỷ luật cũng có thể giải quyết được vấn đề. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng làm rõ những thông tin dư luận về việc mâu thuẫn nội bộ, nguyên nhân sự việc để giải quyết triệt để, đảm bảo công bằng, khách quan, đúng pháp luật.
Trong vụ án này, tòa án cấp sơ thẩm cho rằng bị cáo D phạm tội 2 lần trở lên nên áp dụng khoản 2, điều 356 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 5 năm đến 10 năm, tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo D ở mức thấp nhất là 5 năm tù.
Như vậy, trường hợp nếu bị cáo D có tội thì việc kết án 5 năm tù không sai. Theo quy định tại điều 54 Bộ luật Hình sự thì trường hợp người phạm tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điều 51 Bộ luật Hình sự trở lên thì có thể chuyển sang khung hình phạt khác liền kề nhẹ hơn.
Bởi vậy, trong trường hợp bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội phải được xác định là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, bản thân có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình làm việc thì có thể được chuyển sang khung hình phạt liền kề nhẹ hơn là phạt tù từ 01 năm đến 5 năm.
Tuy nhiên, trong vụ án này, tòa án cấp sơ thẩm cho rằng bị cáo D không thành khẩn khai báo, không nhận tội nên không được áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự để chuyển khung hình phạt. Thông thường thì khi bị cáo đã kêu oan thì mức hình phạt 1 năm hay 5 năm "là như nhau, nhiều bị cáo kêu oan thì dù toà tuyên 1 ngày tù họ cũng không chấp nhận". Bởi vậy bị cáo không kháng cáo về hình phạt mà chỉ kháng cáo kêu oan và cho rằng việc kết tội như vậy là oan sai.
Đây là vụ án phức tạp, dư luận có nhiều thông tin trái chiều, bản thân bị cáo bức xúc và kháng cáo kêu oan. Bởi vậy, tòa án cấp phúc thẩm cẩn thận trọng trong việc xem xét đánh giá toàn bộ các tình tiết có liên quan đến vụ án, làm rõ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, đặc biệt là quy định của pháp luật về việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sự nghiệp công để xác định hành vi của bị cáo có vi phạm pháp luật hay không, mức độ xử lý như thế nào cho phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp không đủ căn cứ để kết tội thì phải sửa bản án sơ thẩm để tuyên bố bị cáo không phạm tội và phục hồi các quyền công dân của bị cáo theo quy định của pháp luật.
Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338