Các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là các quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố chủ thể là người nước ngoài, đối tượng của quan hệ là tài sản ở nước ngoài hoặc sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ xảy ra tại nước ngoài; do có yếu tố nước ngoài mà quan hệ dân sự thuộc loại này có khả năng chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, khiến cho việc giải quyết các vấn đề pháp lý trong quan hệ giữa các bên trở nên phức tạp, nhất là khi các hệ thống pháp luật có cách tiếp cận và quy định cụ thể thường rất khác nhau. Vì thế pháp luật các nước hầu hết đều có các quy định đặc biệt đưa ra các nguyên tắc để lựa chọn và áp dụng một hệ thống pháp luật với một quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài cụ thể (quy phạm xung đột).
Tại Điều 664 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Theo đó, pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 664 thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.
Để điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, dựa trên nguyên tắc tôn trọng Điều ước quốc tế song không được trái với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài điểm đáng chú ý là nó có liên quan đến cả hệ thống pháp luật Việt Nam và cả hệ thống pháp luật một hoặc nhiều nước khác, bởi mỗi quốc gia không thể tự áp dụng pháp luật nước mình cho cùng một quan hệ dân sự được. Nên việc lựa chọn pháp luật áp dụng sẽ phải căn cứ vào quy định trong các quy phạm xung đột thống nhất của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc quy phạm xung đột thông thường của pháp luật Việt Nam. Từ quy định trên có thể thấy Điều ước quốc tế được ưu tiên áp dụng, trường hợp không có điều ước quốc tế hoặc điều ước quốc tế không điều chỉnh vấn đề đang xem xét thì phải căn cứ vào pháp luật Việt Nam để chọn luật áp dụng.
Các bên có quyền lựa chọn pháp luật áp dụng khi điều ước quốc tế hoặc luật Việt Nam quy định các bên có quyền lựa chọn pháp luật áp dụng. Pháp luật được áp dụng là pháp luật của nước mà các bên lựa chọn, bởi đây cũng là quan hệ dân sự có liên quan trực tiếp đến các chủ thể là cá nhân, pháp nhân, vì vậy pháp luật luôn tôn trọng nguyên tắc tự thỏa thuận. Song nguyên tắc tự do thỏa thuận chỉ được công nhận khi các bên được xác định là có quyền lựa chọn luật áp dụng; quyền lựa chọn luật áp dụng của các bên được ghi nhận tại điều ước quốc tế hoặc luật Việt Nam, tùy vào từng vụ việc cụ thể không phải trong mọi trường hợp các bên đều có quyền thỏa thuận.
Việc lựa chọn pháp luật áp dụng mà không có sự ghi nhận trong điều ước quốc tế hay luật Việt Nam là không hợp pháp và không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, có thể thấy rõ tại khoản 1 điều 36 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Nga năm 1988 quy định nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước các bên lựa chọn, nếu điều đó không trái với pháp luật của các Bên ký kết. Hay có thể thấy tại Điều 686 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 quy định các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc thực hiện công việc không có ủy quyền; trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi thực hiện công việc không có ủy quyền. Khi các bên lựa chọn pháp luật áp dụng thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam điều chỉnh các quan hệ đó theo pháp luật nước mà các bên đã chọn.
Đặc biệt, khi đã xét hết các căn cứ trên mà vẫn không xác định được pháp luật áp dụng thì áp dụng luật của nước có mối liên hệ mật thiết, gắn bó với quan hệ dân sự đang xem xét; pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó với quan hệ dân sự đang được xem xét chỉ được áp dụng khi không có điều ước quốc tế hoặc có nhưng điều ước quốc tế không quy định; luật quốc gia không điều chỉnh; các bên không được thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được chọn luật áp dụng. Do quan hệ pháp luật dân sự khá đa dạng trong thực tế nên trong một số trường hợp không xác định được luật áp dụng. Đây là quy định nhằm đảm bảo sự khách quan, công bằng trong việc giải quyết các vấn đề, đồng thời thể hiện tính mềm dẻo cần thiết giúp các cơ quan có thẩm quyền giải quyết linh hoạt hơn các vụ việc trên thực tế. Mặt khác nó cũng thể hiện sự hội nhập của pháp luật Việt Nam.
Vì thế phải tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể trên thực tế mà pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là khác nhau, các bên và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tôn trọng và thực hiện theo đúng quy định về trình tự xác định pháp luật.
Điều 664. Xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
1. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
3. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338