Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Tại Điều 347 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc xác lập cầm giữ tài sản. Theo đó, cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản.
Trong quan hệ hợp đồng song vụ, nếu một bên nắm giữ tài sản của bên kia, yêu cầu bên kia phải thực hiện nghĩa vụ thì tài sản mới được chuyển giao, trong trường hợp họ không thực hiện nghĩa vụ, thì bên nắm giữ tài sản có quyền nắm giữ tài sản. Do đó, thời điểm làm phát sinh cầm giữ tài sản là thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ, điều kiện là bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Mặc dù trước khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ, một bên đã nắm giữ tài sản thuộc sở hữu của bên kia, tuy nhiên, việc nắm giữ đó nhằm mục đích thực hiện nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng song vụ, nên không được xem là cầm giữ tài sản. Mà chỉ khi đến hạn, bên nắm giữ có nghĩa vụ giao tài sản, và bên kia cũng phải thực hiện một nghĩa vụ nhất định để nhận lại tài sản, lúc này biện pháp đảm bảo cầm giữ mới phát sinh hiệu lực.
Về xác lập cầm giữ tài sản, Khoản 1 Điều 347 quy định “Cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”. Khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ, cầm giữ tài sản ngay lập tức phát sinh. Quyền cầm giữ tài sản chỉ được thực hiện khi có các điều kiện như đã phân tích ở trên.
Hiệu lực đối kháng với người thứ ba phát sinh từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản. Khi cầm giữ tài sản được xác lập một cách hợp pháp, bên cầm giữ có quyền truy đòi tài sản và được ưu tiên thanh toán theo quy định tại điều 308 BLDS 2015. Hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp cầm giữ tài sản có khả năng đối kháng rất lớn, vì khi bên cầm giữ đã chiếm giữ tài sản thì chỉ phải trả lại tài sản khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện xong nghĩa vụ với mình và không có bất kì một ngoại lệ nào.
Bên cầm giữ có quyền:
- Yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Tuy nhiên ngay cả khi không có biện pháp bảo đảm cầm giữ tài sản, bên có quyền cũng có thể yêu cầu bên vi phạm nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ. Việc cầm giữ tài sản nhằm nâng cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ.
- Khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu bên có nghĩa vụ đồng ý. Bên cầm giữ không phải là chủ sở hữu của tài sản cầm giữ. Do vậy nếu muốn khai thác tài sản cầm giữ cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ. Quy định này nhằm giúp bên có nghĩa vụ tăng khả năng thực hiện nghĩa vụ và giúp bên cầm giữ bù đắp những chi phí phát sinh trong quá trình cầm giữ tài sản, nhất là trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ trong thời gian dài.
- Yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí cần thiết để bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ. Những tài sản cầm giữ có yêu cầu về bảo quản khác nhau. Có những tài sản chỉ phải bảo quản ở điều kiện thường, có nhưng tài sản phải bảo quản ở điều kiện đặc biệt và khi bên cầm giữ thực hiện việc bảo quản đó thì bên có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí cho việc bảo dưỡng. Thực chất việc bên cầm giữ bảo quản, giữ gìn tài sản của bên cầm giữ là thực hiện thay cho bên có nghĩa vụ. do vậy bên có nghĩa vụ phải thanh toán những chi phí này cho bên cầm giữ tài sản.
Bên cầm giữ có các nghĩa vụ:
- Bảo quản, giữ gìn, không được thay đổi tình trạng tài sản cầm giữ, không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không được bên có nghĩa vụ đồng ý. Các nghĩa vụ này tương ứng với các quyền của bên cầm giữ.
- Giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ đã được thực hiện. bên có quyền cầm giữ tài sản để nhằm mục đích bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Khi nghĩa vụ đã được thực hiện, bên cầm giữ phải trả lại tài sản cho bên có nghĩa vụ.
- Bồi thường thiệt hại nếu làm mất, hư hỏng tài sản. Bên cầm giữ tài sản có nghĩa vụ bảo quản tài sản. Do vậy, nếu làm hư hỏng, giảm sút giá trị của tài sản thì bên cầm giữ phải bồi thường thiệt hại.
Điều 347. Xác lập cầm giữ tài sản
1. Cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338