Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hoa lại là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại. Hoa lợi là sản vật (vật mới) tạo thành do sự phát triển tự nhiên có tính chất hữu cơ thu được từ vật ban đầu, từ trồng trọt hoặc từ chăn nuôi như quả của cây, trứng do gia cầm đẻ ra... Theo nguyên tắc chủ sở hữu vật ban đầu là chủ sở hữu đối với hoa lợi, nếu không có thoả thuận khác hoặc pháp luật không quy định khác. Theo quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì Lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản, có thể hiểu lợi tức là những khoản lợi có được từ việc khai thác, công dụng, chức năng của tài sản. Thông thường lợi tức sẽ được tính ra một khoản tiền nhất định.
Tại Điều 224 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức, cụ thể: chủ sở hữu, người sử dụng tài sản có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, kể từ thời điểm thu được hoa lợi, lợi tức đó.
Căn cứ theo quy định tại Điều 224 Bộ luật Dân sự thì người xác lập hoa lợi, lợi tức bao gồm: chủ sở hữu, người sử dụng tài sản. Chủ sở hữu, người sử dụng tài sản xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức theo sự thỏa thuận giữa các bên, hoặc theo quy định của pháp luật kể từ thời điểm thu được hoa lợi từ tài sản.
Việc xác định hoa lợi thuộc quyền sở hữu của ai hay ai có quyền thụ hưởng phần hoa lợi từ tài sản, còn cần phải xác định theo những quy định của pháp luật về căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi. Những quy định của Bộ luật dân sự hiện hành (Bộ luật dân sự năm 2015) về việc xác định quyền hưởng hoa lợi từ tài sản tại các Điều 231 (xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc); Điều 232 (xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc); Điều 236 (xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật); Điều 291 (hưởng hoa lợi, chịu thiệt hại về gia súc thuê khoán). Những điều luật đã viện dẫn, là căn cứ xác định hoa lợi thuộc về chủ thể và thời điểm phát sinh quyền của chủ thể hưởng hoa lợi trong những trường hợp cụ thể.
Đối với quyền hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, người hưởng dụng có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng trong thời gian quyền hưởng hoa lợi, lợi tức có hiệu lực. Trường hợp quyền hưởng dụng chấm dứt mà chưa đến kỳ hạn thu hoa lợi thì khi đến kỳ hạn thu hoa lợi, người hưởng dụng được hưởng giá trị của hoa lợi, thu được tương ứng với thời gian người đó được quyền hưởng dụng.
Việc khai thác tài sản là quyền của chủ sở hữu tài sản, quyền khai thác tài sản chủ sở hữu có thể chuyển giao cho người khác thông qua các giao dịch. Khai thác tài sản là khai thác những lợi ích vật chất của tài sản. Việc khai thác này thông qua các hành vi có ý thức và có mục đích của chủ thể. Những hành vi khai thác tài sản phổ biến như đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh dưới các hình thức của các chủ thể thuộc các hình thức sở hữu và thành phần kinh tế khác nhau nhằm mục đích thu lợi nhuận, khoản lợi nhuận thu được là lợi tức.
Chủ sở hữu của tài sản cho người khác vay tài sản trong một khoảng thời hạn nhất định và khoản vay có tính lãi suất, thì khoản lãi suất mà bên cho vay được hưởng trên tài sản cho vay, thời hạn vay và lãi suất cho vay thì khoản lãi suất mà bên cho vay thu được là lợi tức. Như vậy, lợi tức là lợi ích vật chất của chủ thể thu được thông qua việc khai thác hợp pháp tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản quy định tại Điều 468 và Điều 469 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, khoản lãi suất này là lợi tức thu được từ việc cho vay tài sản của chủ sở hữu.
Điều 224. Xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức
Chủ sở hữu, người sử dụng tài sản có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, kể từ thời điểm thu được hoa lợi, lợi tức đó.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338