Language:
Xe tập lái của các trung tâm sát hạch lái xe chạy ngoài đường gây tai nạn. Ai chịu trách nhiệm?
24/12/2022
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Xe mang biển tập lái của các trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe chạy ngoài đường gây mất an toàn, gây tai nạn giao thông. Người dân băn khoăn trong trường hợp xe tập lái gây tai nạn thì ai phải chịu trách nhiệm?

 

 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên và Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, theo quy định tại Điều 18 của Nghị định 138/2018/NĐCP sửa đổi Nghị định 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ dạy nghề lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe quy định trung tâm sát hạch phải có đủ phương tiện và số lượng xe, trung tâm sát hạch phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành khi kinh doanh loại hình dịch vụ này.

 

Lái xe là một chức danh nghề nghiệp nên phải trải qua hoạt động học nghề, để  được điều khiển phương tiện giao thông người học phải có giấy phép lái xe tương ứng theo hạng xe hành nghề, chứng chỉ hành nghề do trung tâm sát hạch cấp; còn việc dạy nghề và sát hạch được tổ chức tại trung tâm dạy nghề và sát hạch, các trung tâm này được quản lý bởi Sở Giao thông Vận tải, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực lao động làm việc trong trung tâm nên việc cấp phép hết sức chặt chẽ.

 

Người tham gia khóa học tại trung tâm được xem là người học nghề, hết khóa học người học được tham gia kiểm tra, sát hạch và thi cấp chứng chỉ, cấp giấy phép lái xe, nếu không đủ điều kiện – không đủ tiêu chuẩn sẽ phải học lại như những ngành nghề khác. Người tham gia học các khóa học này được hưởng những quyền và thực hiện những nghĩa vụ như người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quốc dân.

 

Trường hợp nếu trong thời gian học nghề, xe mang biển tập lái của trung tâm sát hạch do người học điều khiển chạy trên đường gây tai nạn giao thông, thì phía trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe phải chịu trách nhiệm. Cụ thể:

 

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại (trách nhiệm dân sự), căn cứ Điều 600 Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra, quy định cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật. Việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này giống với trường hợp bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra.

 

Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích sâu hơn, đối với thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra cần chú ý các vấn đề người gây ra thiệt hại phải là người làm công hoặc người học nghề; người học nghề là người đang theo học tại một cơ sở dạy nghề nhất định (cụ thể là trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe); người phải bồi thường thiệt hại là chủ cơ sở dạy nghề; chủ cơ sở dạy nghề có thể là pháp nhân, là cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã. Chủ cơ sở dạy nghề phải bồi thường thiệt hại do người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

 

Bởi vậy, trong trường hợp người học lái xe gây tai nạn thì trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe nơi người học đăng ký theo học sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại, sau đó trung tâm sát hạch lái xe có quyền yêu cầu người học nghề hoàn trả một phần hoặc toàn bộ khoản tiền này nếu người học nghề có lỗi dẫn đến tai nạn. Nếu gây thiệt hại về tài sản thì bồi thường theo quy định tại Điều 589, nếu gây thiệt hại về sức khỏe thì bồi thường theo quy định tại Điều 590, nếu gây thiệt hại về tính mạng thì bồi thường theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngoài ra, quy định bồi thường và trách nhiệm bồi thường thiệt hại này được thực hiện theo hướng dẫn của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

 

Về trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hình sự chỉ được đặt ra trong trường hợp hành vi gây tai nạn dẫn đến hậu quả chết người, gây thương tích cơ thể từ 61% trở lên, gây thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên. Về nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự theo hướng cá biệt hóa hành vi của mỗi chủ thể, vai trò và trách nhiệm của ai đến đâu sẽ bị xử lý đến đó.

 

Tại khoản 1 Điều 58, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái. Nếu trong giờ học (bài tập lái xe đường trường) người học điều khiển phương tiện phục vụ dạy nghề gây tai nạn thì sẽ xem xét trách nhiệm như sau: Trường hợp giáo viên giao xe cho học viên lái nhưng không ngồi trong xe để bảo trợ tay lái cho người học, thì giáo viên dạy lái sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015. Còn người học là người trực tiếp điều khiển phương tiện gây tai nạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015. Còn nếu phía trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe thiếu trách nhiệm giao xe cho giáo viên không phải là người của trung tâm thì người có thẩm quyền giao xe của trung tâm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vê tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.