Các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là các quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố chủ thể là người nước ngoài, đối tượng của quan hệ là tài sản ở nước ngoài hoặc sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ xảy ra tại nước ngoài; do có yếu tố nước ngoài mà quan hệ dân sự thuộc loại này có khả năng chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, khiến cho việc giải quyết các vấn đề pháp lý trong quan hệ giữa các bên trở nên phức tạp, nhất là khi các hệ thống pháp luật có cách tiếp cận và quy định cụ thể thường rất khác nhau. Vì thế pháp luật các nước hầu hết đều có các quy định đặc biệt đưa ra các nguyên tắc để lựa chọn và áp dụng một hệ thống pháp luật với một quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài cụ thể (quy phạm xung đột).
Xác định pháp luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp đối với các quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài là một trong những yếu tố quan trọng giúp giải quyết tranh chấp bởi các quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài sẽ có thể xảy ra những xung đột pháp luật gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp; nên việc xác định pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài sẽ được xác định dựa trên một số quy định, nguyên tắc nhất định, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận trước về luật áp dụng.
Tại Điều 666 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc áp dụng tập quán quốc tế. Theo đó, các bên được lựa chọn tập quán quốc tế trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 của Bộ luật Dân sự. Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
Có thể thấy, tập quán quốc tế hình thành từ rất sớm, ban đầu đó là những quy tắc xử sự chung do một hay nhiều quốc gia đưa ra và áp dụng, sau quá trình sử dụng lâu dài những nguyên tắc đó ngày càng được áp dụng rộng rãi đã được nhiều quốc gia khác thừa nhận và áp dụng như những quy phạm pháp lý chung. Một nguyên tắc được xem là tập quán quốc tế khi đảm bảo các điều kiện sau: Được sử dụng trong một thời gian dài, được thừa nhận rộng rãi và không trái với nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Pháp luật Việt Nam quy định các bên trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài có quyền lựa chọn áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết vụ việc, nếu điều ước quốc tế hoặc luật Việt Nam ghi nhận cho họ được quyền lựa chọn luật áp dụng. Do tập quán quốc tế được áp dụng trong thực tiến từ rất lâu và đã giải quyết rất nhiều vụ việc khác nhau, do đó nó đủ cụ thể để xác định quyền, nghĩa vụ các bên khi xảy ra tranh chấp; nếu xét theo quy định tại khoản 2 Điều 664 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các bên chỉ có quyền thỏa thuận lựa chọn luật của một quốc gia nhất định, có thể là Việt Nam hoặc một nước khác, điều này đã bổ sung thêm phạm vi lựa chọn của các bên, theo đó không chỉ là luật quốc gia mà các bên còn có thể lựa chọn áp dụng tập quán quốc tế.
Tập quán quốc tế trong tư pháp quốc tế được phân chia thành rất nhiều loại, vì vậy các bên nếu thỏa thuận lựa chọn áp dụng tập quán để tránh việc gây nhầm lẫn các bên cần ghi rõ áp dụng tập quán nào, cụ thể như: trong cùng một lĩnh vực thương mại quốc tế riêng Incoterms đã có nhiều bản khác nhau năm 1936, 1953 (được sửa đổi vào năm 1967 và 1976), 1980, 1990, 2000, 2010, vì vậy các bên phải thỏa thuận rõ chọn bản năm nào để tránh gây khó khăn, nhầm lẫn trong việc giải quyết; bên cạnh đó còn có UCP 600 của ICC; Bộ nguyên tắc Unidroit…
Các bên cần lưu ý khi thỏa thuận áp dụng tập quán quốc tế phải đảm bảo quy định của tập quán không được trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, tập quán đó mới có hiệu lực áp dụng; đương nhiên nếu quy định của tập quán mà các bên lựa chọn trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì sẽ không được áp dụng, lúc này luật áp dụng được chỉ định là luật Việt Nam. Bởi vì tập quán quốc tế không phải là luật, nên nó không mang tính chất bắt buộc, đó là những tập quán được các bên thỏa thuận áp dụng nếu xét thấy có lợi cho mình, nói cách khác tập quán chỉ mang tính chất tham khảo do đó chỉ được áp dụng khi không có quy định trái với nguyên tắc cơ bản của luật quốc gia. Trường hợp này pháp luật Việt Nam được áp dụng với tư cách là pháp luật của nước có tòa án theo nguyên tắc Lex Fori. (Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ, (2017), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", Nxb. công an nhân dân).
Điều 666. Áp dụng tập quán quốc tế
Các bên được lựa chọn tập quán quốc tế trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này. Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338