Language:
Áp dụng tình tiết "phạm tội 02 lần trở lên" vụ cô giáo tại Nghệ An gây thiệt hại gần 45 triệu đồng?
05/05/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Thông tin từ báo chí, theo cáo trạng từ ngày 01/10/2012 đến năm 2017, bà D là bí thư chi bộ, chủ tài khoản của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên), đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền hơn 48,3 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp. Việc này gây thiệt hại cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên. Trong năm học 2011-2012 với số tiền hơn 3,3 triệu đồng; năm 2013-2014 với số tiền hơn 303.000 đồng; năm 2014-2015 số tiền hơn 30,9 triệu đồng và trong năm 2015-2016 hơn 13,8 triệu đồng. Theo hồ sơ vụ án, trong quá trình công tác bà D đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có một số khoản chi không đúng quy định pháp luật. (Link thông tin https://tuoitre.vn/lanh-5-nam-tu-vi-thanh-toan-trai-quy-dinh-gan-45-trieu-dong-o-trung-tam-giao-duc-thuong-xuyen-20230426111241922.htm?)

 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích, nguyên giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hưng Nguyên (Nghệ An) bị kết án 5 năm tù với cáo buộc nhiều lần thanh toán trái quy định, chiếm đoạt gần 45 triệu đồng theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hiện nay dư luận đang cho rằng đây là bản án quá nghiêm khắc đối với vị nguyên giám đốc trung tâm này.

 

Tôi cho rằng ở phiên tòa phúc thẩm tới đây sẽ có nhiều nội dung sẽ được mổ xẻ, về vấn đề xây dựng quy chế thu chi nội bộ đã được bị cáo xây dựng và thông qua, quy chế đó đã được công khai và phê duyệt hay chưa, những cơ quan nào đã được thông báo về quy chế này, có động cơ vụ lợi hay không, hành vi diễn ra công khai hay lén lút. Hiện nay bị cáo đang kháng cáo theo hướng kêu oan, cho rằng việc ra quyết định thanh toán một số khoản chi phí theo nội dung quy chế nội bộ là không sai, đúng quy định. Vì vậy vấn đề tội danh sẽ được cấp phúc thẩm xem xét, đánh giá xem hành vi của vị nguyên giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hưng Nguyên có thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không.

 

Về việc áp dụng pháp luật tôi cho rằng cần thận trọng khi áp dụng tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi, theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao quy định cụ thể: Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại Chương XXIII của Bộ luật Hình sự, mỗi lần đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm và tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại của các lần vi phạm thuộc khung hình phạt tăng nặng, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại, họ còn bị áp dụng tình tiết định khung tặng nặng hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sau:

 

- Nếu tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại thuộc khoản 2 của điều luật tương ứng thì người phạm tội bị áp dụng thêm tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên”.

 

- Nếu tổng trị giá tài sản chiếm đoạt hoặc của hối lộ nhận hoặc tài sản thiệt hại thuộc khung hình phạt tăng nặng khác thì người phạm tội bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên”.

 

Đối chiếu quy định pháp luật này vào vụ án nguyên giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hưng Nguyên, tòa án muốn áp dụng tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” tại điểm b khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 để xét xử bị cáo thì phải có đầy đủ điều kiện là bị cáo thực hiện hành vi phạm tội 02 lần trở lên và tổng số tiền bị cáo gây thiệt hại phải từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng thì mới có căn cứ coi bị cáo đã “phạm tội 02 trở lên”. Bởi vậy, theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP trường hợp của bị cáo nếu thực tế có hành vi vi phạm pháp luật mà số tiền chỉ là 45.000.000 đồng, thì chỉ có căn cứ xử lý theo quy định tại khoản 1, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, nếu ở cấp sơ thẩm tòa án áp dụng quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 là chưa đúng tinh thần của Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP.

 

Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338