Language:
Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai (Điều 294)
09/08/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Nghĩa vụ là việc mà theo đó một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền). 

Tại Điều 294 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc vảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai. Theo đó, trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai, các bên có quyền thỏa thuận cụ thể về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm và thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành, các bên không phải xác lập lại biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó.

Nghĩa vụ hình thành trong tương lai là nghĩa vụ hình thành sau thời điểm xác lập biện pháp bảo đảm. Theo nguyên tắc chung, nếu các bên không có thỏa thuận thì phạm vi nghĩa vụ bảo đảm là toàn bộ; còn thời hạn thực hiện nghĩa vụ có thể bất kỳ khi nào mà bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ của mình, hoặc bên có quyền yêu cầu, tuy nhiên, phải thông báo cho bên còn lại biết trước một quãng thời gian nhất định. Đối với bên thứ ba, nếu các bên không thỏa thuận về thời hạn và phạm vi thực hiện nghĩa vụ đảm bảo hoặc được bảo đảm, thì hợp đồng đảm bảo đối với họ sẽ không chấm dứt. Vấn đề này được quy định tại khoản 2 Điều 25 NĐ21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Chính phủ, cụ thể: Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm, hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba không thay đổi hoặc không chấm dứt trong trường hợp các bên không thỏa thuận cụ thể về phạm vi nghĩa vụ trong tương lai, thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm hoặc thời hạn bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Nhằm tạo thuận lợi cho việc xác định nghĩa vụ được đảm bảo trong tương lai (là nghĩa vụ có thời hạn), tránh những tranh chấp pháp sinh trong việc xác định nghĩa vụ được bảo đảm, đồng thời, giúp bảo vệ quyền của bên bảo đảm (chủ sở hữu tài sản), tránh tình trạng chủ sở hữu tài sản bị ràng buộc bởi quan hệ bảo đảm không xác định, vô thời hạn trong tương lai, ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ và tài chính của chủ sở hữu tài sản, cũng như cản trở chủ sở hữu tài sản tiếp cận các nguồn tín dụng khác có bảo đảm bằng chính tài sản đó.

Pháp luật cho phép các bên được thỏa thuận lựa chọn phạm vi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ đảm bảo xác định trong tương lai. Theo đó, các bên thực hiện đảm bảo trong phạm vi và thời hạn đã thỏa thuận. Vì các bên đã thỏa thuận xác lập biện pháp đảm bảo nghĩa vụ trong tương lai, cho nên khi nghĩa vụ hình thành thì biện pháp bảo đảm mà các bên đã thỏa thuận có giá trị bảo đảm cho nghĩa vụ đó, vậy nên các bên không cần thiết lập lại biện pháp bảo đảm. Tóm lại, hợp đồng bảo đảm mà các bên đã ký sẽ phát sinh hiệu lực kể từ khi nghĩa vụ bảo đảm hình thành.

Ngoài ra để tạo điều kiện cho các bên thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ và hưởng quyền, pháp luật cho phép họ được thay đổi hợp đồng đảm bảo. Cụ thể, các bên có thể thay biện pháp đảm bảo khác với biện pháp bảo đảm đã thỏa thuận ban đầu, lúc này hợp đồng bảo đảm mới sẽ có hiệu lực thay thế cho hợp đồng bảo đảm cũ. Khoản 1 Điều 25 NĐ21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Chính Phủ, quy định: Trường hợp nghĩa vụ trong tương lai được hình thành mà các bên thỏa thuận xác lập hợp đồng bảo đảm mới, biện pháp bảo đảm mới đối với nghĩa vụ này thì hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba phát sinh theo hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm được xác lập mới. (Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ, 2017, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Công an nhân dân).

Khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành, các bên không phải xác lập lại biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó, nghĩa vụ được bảo đảm là nghĩa vụ hiện tại, tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện. Phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm theo thỏa thuận, nếu không thỏa thuận thì phạm vi là toàn bộ nghĩa vụ. Quy định về nghĩa vụ trong tương lai cũng đã được đề cập tại Bộ luật dân sự cũ. Đối với loại nghĩa vụ này, bên có quyền có thể thỏa thuận với bên bảo đảm về phạm vi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Theo quy định tại Điều 294 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khi thỏa thuận về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai, thì các bên có thể thỏa thuận vụ thể về phạm vi nghĩa vụ, có thể là bảo đảm toàn bộ cho nghĩa vụ được hình thành trong tương lai hoặc bảo đảm một phần cho nghĩa vụ được hình thành trong tương lai. Cần phải lưu ý rằng phạm vi đối tượng nghĩa vụ hình thành trong tương lai phải được xác định về tính chất, khối lượng, giá trị kinh tế… Việc thỏa thuận về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai sẽ giúp cho các bên không phải thỏa thuận lại về việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đó khi nghĩa vụ được bảo đảm hình thành.

Điều 294. Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai

1. Trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai, các bên có quyền thỏa thuận cụ thể về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm và thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành, các bên không phải xác lập lại biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338