Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự, theo đó người vi phạm nghĩa vụ pháp lý gây tổn hại cho người khác phải bồi thường những tổn thất do mình gây ra mà giữa người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại và người bị thiệt hại không giao kết hợp đồng hoặc có hợp đồng nhưng hành vi gây thiệt hại không thuộc hành vi thực hiện hợp đồng. Vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Chương XX của Bộ luật Dân sự năm 2015 từ Điều 584 đến Điều 608. Hành vi gây thiệt hại có thể được thực hiện bởi bất kỳ chủ thể nào trong xã hội nhưng không phải chủ thể nào cũng có khả năng thực hiện việc bồi thường, việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường còn phụ thuộc vào năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của từng chủ thể.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng rất đa dạng; tính đa dạng này có thể thể hiện ở chủ thể gây thiệt hại, đối tượng bị thiệt hại, hoàn cảnh gây thiệt hại... nên Bộ luật dân sự có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể. Nếu một người có hành vi chống trả lại hành vi gây thiệt hại của người khác và hành vi chổng trả lại này được coi là phòng vệ chính đáng thì hành vi chống trả đó không bị coi là hành vi trái pháp luật, do đó người thực hiện hành vi chống trả không phải bồi thường thiệt hại.
Tại Điều 594 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Theo đó, người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Người gây thiệt hại do "vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng" phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Tại Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Căn cứ vào các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì hành vi gây thiệt hại do phòng vệ chính đáng thì không bị coi là hành vi trái luật, nên người gây thiệt hại không có lỗi. Song để một hành vi gây thiệt hại được xem là phòng vệ chính đáng thì phải xem xét hành vi một cách tổng thể:
Có hành vi trái pháp luật của chủ thể khác xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác hoặc xâm phạm đến lợi ích của chính chủ thể phòng vệ chính đáng, hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích là điều kiện căn bản để áp dụng biện pháp ngăn chặn, chống trả. Chủ thể chỉ có quyền ngăn cản hành vi trái pháp luật, còn đối với việc ngăn cản hành vi được pháp luật cho phép thực hiện thì sẽ bị xem là đang cản trở người khác đạt được lợi ích của mình, và chủ thể phải chịu trách nhiệm về hành vi đó.
Hành vi trái pháp luật của người khác đang gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại, điều này đồng nghĩa với việc phòng vệ chính đáng phải diễn ra trước khi xảy ra thiệt hại, bản chất của phòng vệ chính đáng là chống trả, ngăn chặn thiệt hại xảy ra, nên khi thiệt hại đã xảy ra mà chủ thể mới chống trả thì không được xem là phòng vệ nữa, khi đó hành vi của chủ thể sẽ được xem xét dưới góc độ khác.
Hành vi phòng vệ chính đáng phải gây thiệt hại cho chính người có hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, phòng vệ là hành vi tác động đến người có hành vi gây thiệt hại nhằm ngăn cản họ; nếu phòng vệ chính đáng gây thiệt hại cho chủ thể khác thì nó không còn đúng với bản chất của nó nữa, mà có thể xem xét đó là hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết nếu đáp ứng các điều kiện pháp luật quy định.
Hành vi gây thiệt hại do phòng vệ chính đáng phải cần thiết và tương xứng với hành vi xâm hại, tức người có hành vi xâm hại ở mức độ nào thì hành vi phòng vệ phải ở mức độ tương đương, nếu vượt quá thì chủ thể có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự.
Hành vi chống trả của một chủ thể chỉ được xem là phòng vệ chính đáng khi nó dừng lại ở một giới hạn nhất định, khi vượt quá giới hạn này thì bị xem là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, và chủ thể có hành vi vượt quá có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý. Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Như vậy, hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có thể hiểu là người phòng vệ chính đáng có hành vi gây thiệt hại ngược trở lại người gây thiệt hại, nhưng lại sai lầm trong việc đánh giá mức độ của sự tấn công, điều kiện hoàn cảnh tấn công, mức độ của hành vi chống trả. Hay nói cách khác, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là thực hiện nhưng hành vi vượt quá mức để ngăn chặn thiệt hại, gây thiệt hại cho người gây thiệt hại ban đầu. Vì thực tế các chủ thể có thể lợi dụng quy định về phòng vệ chính đáng nhằm gây hại cho chủ thể khác, vì thế quy định về vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là điều cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Pháp luật dân sự quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thì người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại, bởi hành vi vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng bị coi là hành vi trái pháp luật và người thực hiện hành vi đó bị coi là có lỗi.
Hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng ở đây được hiểu là khi bị người khác gây thiệt hại, người phòng vệ chính đáng đã có hành vi gây thiệt hại ngược trở lại nhưng có sự sai lầm trong việc đánh giá mức độ của sự tấn công, điều kiện hoàn cảnh của hành vi tấn công và hành vi chổng trả, do đó vượt quá giới hạn cần thiết nên đã gây ra thiệt hại cho người có hành vi gây thiệt hại ban đầu. Do đó hành vi của họ đã vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng, việc vượt quá giới hạn đó bị coi là trái pháp luật, vì vậy họ phải bồi thường thiệt hại.
Việc bồi thường thiệt hại do hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được tồn tại hai cách hiểu khác nhau xung quanh vấn đề này: (1) Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được coi là một tình tiết giảm nhẹ trong trách nhiệm hình sự nhưng không thể làm cơ sở để giảm mức bồi thường thiệt hại trong trách nhiệm dân sự, vì đó là các hành vi bất hợp pháp; (2) Nếu gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại với nguyên tắc thiệt hại bao nhiêu phải bồi thường bấy nhiêu. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì cả người gây thiệt hại và người bị thiệt hại đều có lỗi nên cần xác định trách nhiệm hỗn hợp đối với cả hai bên.
Việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này cần có những sự chú ý nhất định., thông thường trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi thoả mãn đầy đủ các điều kiện sau đây: Có thiệt hại xảy ra; hành vi gây thiệt hại được coi là trái pháp luật; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra; có lỗi của người gây thiệt hại. Ngoài ra, về nguyên tắc, một người chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi và hậu quả do hành vi đó mang lại. Theo quy định của pháp luật nếu gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng thì hành vi đó không bị coi là hành vi trái luật, nên người thực hiện hành vi này không phải bồi thường. Nếu thực hiện hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì hành vi này bị coi là đã thực hiện hành vi trái pháp luật, nên người thực hiện hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi đó gây ra.
Xuất phát từ nguyên tắc một người chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi trái pháp luật của mình và hậu quả do hành vi đó mang lại, do vậy khi có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hai xảy ra. Trường hợp người gây thiệt hại đã thực hiện phòng vệ chính đáng nhưng sau đó có thể do tưởng tượng sai lầm nên tiếp tục thực hiện một hành vi phòng vệ không cần thiết, trường hợp này hành vi gây thiệt hại là trái pháp luật, do vậy phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi đó gây ra.
Điều 594. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338