Language:
Cầm cố tài sản (Điều 309)
22/08/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

Tại Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc cầm cố tài sản. Theo đó, cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Cũng giống các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác, cầm cố tài sản là việc một bên đưa tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để đảm bảo chắc chắn bản thân sẽ thực hiện nghĩa vụ nhất định. Thông thường, trên thực tế, nghĩa vụ trong cầm cố tài sản là nghĩa vụ trả nợ trong quan hệ vay vốn giữa bên nhận cầm cố và bên cầm cố.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 hình thức cầm cố tài sản: Việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố. Nếu bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

Quyền của bên cầm cố, yêu cầu bên nhận cầm cố chấm dứt việc sử dụng tài sản cầm cố nếu do sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị; yêu cầu bên nhận cầm cố trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt; yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố; được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản cầm cố nếu được bên nhận cầm cố đồng ý hoặc theo quy định của luật.

Nghĩa vụ của bên cầm cố, giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố theo đúng thỏa thuận; báo cho bên nhận cầm cố về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố (nếu có); trường hợp không thông báo thì bên nhận cầm cố có quyền hủy hợp đồng cầm cố tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố; thanh toán cho bên nhận cầm cố chi phí hợp lý để bảo quản tài sản cầm cố, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Quyền của bên nhận cầm cố, yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó; xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận và được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.

Nghĩa vụ của bên nhận cầm cố, bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố, nếu làm mất, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố; không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác; không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

Điều 309. Cầm cố tài sản

Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338