Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Theo thông tin phía Công an Quận 7, TPHCM, Nguyễn Ngọc P (31 tuổi, quê Bình Phước) (trong bài viết này tên cá nhân đã được khuyết danh) nhận trông bé H, 17 tháng tuổi, bé thường xuyên quấy khóc nên đối tượng P bực bội, cộng thêm việc bố cháu bé không trả tiền công giữ bé H đúng hẹn, nên đối tượng P đã nhiều lần dùng tay và cán chổi bằng nhựa đánh vào mặt, tay và chân của bé H gây thương tích, đỉnh điểm từ ngày 31/10 đến ngày 05/11, khi bé H quấy khóc, đối tượng P đã dùng tay tát mạnh vào mặt và dùng tay dí mạnh vào vùng đầu của bé H nhiều lần, có lần đã dùng bình sữa gõ vào đầu bé H. Hậu quả bé bị tử vong.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên và Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, đây là hành vi tàn ác, vô nhân tính, không thể chấp nhận được ở một người mang danh “cô nuôi dạy trẻ”, vì bực bội do cháu bé quấy khóc và gia đình chưa thanh toán tiền giữ trẻ nên đối tượng nhẫn tâm ra tay tàn ác với cháu bé, hành vi này xuất phát từ động cơ đê hèn, rất cần một chế tài nghiêm khắc với đối tượng này nhằm răn đe đối với những cá nhân, tổ chức khác trong hoạt động trông giữ, nuôi dạy trẻ tư nhân.
Về mặt tố tụng, việc cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 7 (TP. HCM) đã ra quyết định bắt khẩn cấp Nguyễn Ngọc P (31 tuổi, quê Bình Phước) để điều tra liên quan đến vụ việc cháu bé 17 tháng tuổi tử vong là có căn cứ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân xảy ra sự việc, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu giữ vật chứng, lấy lời khai của những người liên quan, trích xuất camera (nếu có), để củng cố hồ sơ và có căn cử xử lý đối tượng, nếu có dấu hiệu của hành vi giết người thì cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 7 sẽ chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để điều tra theo thẩm quyền.
Về mặt tội danh, theo diễn biến hành vi và hậu quả cho thấy nguyên nhân tử vong của cháu bé 17 tháng tuổi xuất phát do việc đánh đập, hành hạ nhiều ngày của đối tượng P, rất có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố đối tượng này về tội Giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, với hành vi giết người dưới 16 tuổi (trẻ em), hành vi xuất phát từ động cơ đê hèn hoặc có tính chất côn đồ, thì đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất từ 12 - 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng P không có động cơ mục đích giết người, không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người, hành vi chỉ nhằm gây thương tích cho nạn nhân hoặc bỏ mặc việc nạn nhân có thể thương tích, khi phát hiện cháu bé bị thương tích nghiêm trọng thì sợ cháu bé tử vong nên đã mang đi cấp cứu, thì cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét đến việc có thể áp dụng các tình tiết để xử lý đối tượng này về tội Cố ý gây thương tích quy định tại khoản 4, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, với tình tiết định khung “làm chết người”, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người thì mức hình phạt cao nhất lên tới 15 năm tù.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích, nhận thức, diễn biến hành vi cụ thể, hậu quả xảy ra để quyết định việc khởi tố đối tượng này về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 4, Điều 134 hay tội Giết người theo Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích thêm, có thể nhận thấy rằng thời gian gần đây thường xuyên xảy ra những vụ bạo hành trẻ em, nạn nhân là các cháu bé ở mọi lứa tuổi không chỉ bị bạo hành trong gia đình, ngoài xã hội, mà đau long hơn các cháu còn bị bạo hành trong chính nơi nuôi dưỡng, giáo dục - nơi các cháu học tập, đây là thực trạng đáng báo động cơ quan chức năng về bảo vệ quyền trẻ em, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần vào cuộc để có biện pháp can thiệp, chấn chỉnh, nhằm chặn đứng tình trạng này bằng các giải pháp như: Tăng cường giáo dục - phổ biến pháp luật, tập huấn kỹ năng nuôi dạy trẻ, kiểm tra rà soát tất cả các cơ sở tư nhân có nhận nuôi dạy trẻ, nghiêm cấm cá nhân có nhận nuôi dạy trẻ, kiên quyết tước giấy phép của những cơ sở nuôi dạy trẻ không đảm bảo về cơ sở vật chất, giáo viên... nhằm lành mạnh hóa môi trường nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, đảm bảo quyền trẻ em.