Language:
Công ty có bắt buộc phải công khai quy chế thưởng Tết Âm lịch?
16/12/2022
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Cứ mỗi dịp cuối năm vấn đề “thưởng Tết” lại là vấn đề khá nóng trong lĩnh vực lao động - việc làm. Việc Công ty có bắt buộc phải công khai quy chế thưởng Tết Âm lịch không? Đây đang là câu hỏi được khá nhiều người lao động quan tâm, rất cần luật sư tư vấn giải đáp.

 

 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, hiện nay pháp luật nước ta không có bất kỳ quy định nào bắt buộc công ty, người sử dụng lao động phải thưởng Tết Âm lịch cho người lao động. Tại Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

 

Từ quy định trên cho thấy người sử dụng lao động không bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động. Người sử dung lao động sẽ căn cứ vào vào tình hình, kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty để quyết định có xây dựng quy chế thưởng Tết Âm lịch cho người lao động hay không. Quy chế thưởng Tết Âm lịch sẽ do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc khi đã tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động.

 

Dù là thưởng Tết hay thưởng nói chung thì doanh nghiệp đều phải công bố công khai tại nơi làm việc để cho người lao động được biết. Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh phải báo cáo tình hình tiền lương và thưởng Tết của doanh nghiệp đối với người lao động.

 

Trong đó, yêu cầu các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng chế độ, chính sách về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động, trong đó có cả việc khảo sát, nắm tình hình trả lương và kế hoạch thưởng Tết của các doanh nghiệp.

 

Tiền thưởng Tết Âm lịch của người lao động được tính ra sao? Do pháp luật không quy định về mức tiền thưởng Tết Âm lịch mà người lao động sẽ được nhận. Vì vậy, quy chế thưởng Tết Âm lịch sẽ do người lao động quyết định. Theo đó thì người sử dụng lao động sẽ quyết định quy chế thưởng Tết Âm lịch dựa vào tình hình, kết quả sản xuất kinh doanh.

 

Ví dụ, người sử dụng lao động quyết định quy chế thưởng Tết Âm lịch năm 2023 là 03 tháng lương theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động dựa trên hiệu quả, năng suất làm việc của người lao động trong năm. Tiền lương trong hợp động lao động là 9.000.000 đồng/tháng và hiệu quả làm việc trong năm 2022 của người lao động đạt 85% thì tiền thưởng Tết Âm lịch năm 2023 sẽ được tính là: 9.000.000 x 3 x 85%.

 

Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ trong Tết Âm lịch khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể: Phải được sự đồng ý của người lao động; Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng; Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm.

 

Trường hợp không công khai quy chế thưởng theo đúng quy định, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động; mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng. Theo đó, nếu vi phạm, người sử dụng lao động là cá nhân sẽ bị phạt cao nhất đến 10 triệu đồng, còn người sử dụng lao động là tổ chức sẽ bị phạt lên đến 20 triệu đồng.